Clip: Thót tim nhìn lại những khoảnh khắc máy bay bị sét đánh
Máy bay bị sét đánh trúng không lạ trong ngành hàng không nhưng chỉ một số ít trường hợp vô tình được quay phim lại.
Một số vụ tàu bay bị sét đánh trúng (Nguồn: Crash Videos tổng hợp)
Vừa qua, tàu bay B787/JA-887A của hãng hàng không All Nippon Airways (Nhật Bản) đang thực hiện chuyến bay NH857 từ sân bay Haneda về Nội Bài, đã bị sét đánh trong quá trình hạ độ cao. Vụ việc khiến tàu bay này bị rạn kính chắn gió phía lái chính. Sau khi hạ cánh an toàn, tàu bay phải tạm dừng khai thác để kiểm tra, khắc phục sự cố.
Liên quan tới việc tàu bay bị sét đánh như trên, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sét đánh tàu bay là việc vẫn thường xảy ra trong ngành hàng không. Tuy nhiên, tàu bay được thiết kế để luôn đảm bảo an toàn cho cả hành khách và tổ bay dù nó đang bay, đang cất/hạ cánh hay đang lăn trên đường băng.
Ông Hồ Minh Tấn - Trưởng phòng Tiêu chuẩn An toàn bay (Cục Hàng không Việt Nam) cho biết thêm, bản thân tàu bay được thiết kế để triệt tiêu hoàn toàn các điện tích do sét đánh trúng. Do đó, sét đánh tàu bay là việc không lạ và cũng không nguy hiểm với tổ bay lẫn hành khách bên trong khoang tàu.
“Sét là hiện tượng phóng điện do chênh lệch điện tích giữa các đám mây. Bản thân vỏ tàu bay được thiết kế bằng chất dẫn điện và không có khe hở, nên khi bị sét đánh trúng thì nó sẽ phóng các điện tích đó qua các tụ dẫn điện rồi triệt tiêu hoàn toàn. Việc tàu bay đang bay bị sét đánh là rất bình thường, đã được tính toán và thử nghiệm trong thiết kế”, ông Tấn giải thích.
“Tất nhiên trong quá trình bay thì không phi công nào muốn “đâm” vào mây cả mà họ sẽ tránh, đặc biệt với các đám mây tích điện. Thế nhưng trong bay thực tế, có thể tàu bay phải bay qua các khu vực có điện tích khác biệt và bị tia sét phóng trúng, tất cả những điều này đã được tính toán trong thiết kế và phải qua quá trình kiểm nghiệm khắt khe. Trên tàu bay cũng có radar thời tiết giúp phi công nhận biết những đám mây tích điện để tránh đi”, ông Tấn giải thích thêm.
Thật vậy, thực tế đã có nhiều trường hợp tàu bay bị sét đánh trúng nhưng chỉ một số ít trường hợp vô tình được quay phim lại. Trong tất cả các trường hợp này, tổ bay và hành khách đều an toàn, song tàu bay luôn được kiểm tra kỹ thuật sau mỗi lần bị sét đánh.
Một chiếc tàu bay bị sét đánh trúng khi đang bay trên bầu trời.
Chẳng hạn vào ngày 2/1/2017, một chiếc tàu bay Boeing 747 vừa bay lên khỏi đường băng chưa bao lâu thì bị một tia sét sáng rực đánh ngang sườn. Chiếc tàu bay này bị sét đánh ở độ cao 610m sau khi vừa cất cánh khỏi sân bay quốc tế Vnukovo ở Moscow để bay đến đến thành phố Sochi (Nga).
Trước đó, vào ngày 30/5/2016, chiếc Boeing 737 số hiệu B5716 của hãng hàng không China Southern Airlines cũng bị sét đánh trúng sau khi hạ cánh an toàn và vừa trả khách xong. Cùng ngày, một chiếc Airbus A330 của hãng Air China đã gặp bão và bị sét đánh tại sân bay quốc tế Bạch Vân (Quảng Châu, Trung Quốc) trong lúc đang đợi quá cảnh.
Cảnh sát đã triệu tập đối tượng nữ bịa đặt tin máy bay rơi ở Nội Bài tung lên mạng gây hoang mang dư luận.