Chuyện tình cảm động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Bà Nguyễn Thanh Hà – con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nhắc lại câu chuyện cảm động và như một huyền thoại về ba mẹ bà...

LTS: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (1914-1967), quê ở Thừa Thiên Huế, được phong làm Đại tướng năm 1959.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng Miền Nam và thống nhất đất nước, chúng tôi xin gửi đến quý độc giả đoạn trích nói về tình yêu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ Nguyễn Thị Cúc trong bài viết “Một vài kỷ niệm về cha tôi” và “Câu chuyện trăm năm” của bà Nguyễn Thanh Hà – con gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Bài viết đăng trong cuốn sách “Tướng lĩnh Việt Nam thế kỷ XX qua lời kể người thân” do tác giả Nguyễn Mạnh Hùng (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thái Hà Books) sưu tầm và biên soạn, ra mắt cuối tháng 3.2015.

Trong gia đình, cả bốn chị em tôi đều kính trọng và nghe lời mẹ – cả ba cũng vậy. Về chuyện của ba và mẹ đã có nhiều người kể – đó thực sự là một tình yêu lớn và hết mực thủy chung. Có một câu chuyện thật cảm động và như một huyền thoại, mà chúng tôi được nghe ba mẹ kể lại:

Năm 1947, Bình – Trị – Thiên vỡ mặt trận, mọi người mạnh ai nấy chạy, thương vong hi sinh rất nhiều. Mẹ nghe người ta nói Ba bị Pháp bắn chết rồi ném xác xuống sông. Ba thì nghe Mẹ qua sông bị Pháp bắn chết trôi mất xác rồi.

Chuyện tình cảm động của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - 1

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh và vợ Nguyễn Thị Cúc năm 1962

Ở Thừa Thiên có một tập tục, ai chết đuối không tìm ra được xác thì người nhà phải chạy dọc bờ sông, gọi tên người đó thì xác mới nổi lên được.

Thế là Ba Mẹ mỗi người một bên bờ sông Hương, vừa chạy vừa gào tên nhau, “Thanh ơi!”, “Cúc ơi!”... vấp ngã đứng lên chạy tiếp, gào tiếp… Thế rồi hai vợ chồng nghe tiếng gọi tên, rồi nhìn thấy nhau, mừng quá lội ào ra ôm nhau giữa sông.

Nghe Ba Mẹ kể chuyện này, sau bao nhiêu năm đến bây giờ tôi vẫn không hình dung nổi khi đã tuyệt vọng đến như vậy, thì nỗi mừng gặp lại đó như thế nào, có lẽ chỉ thiếu vỡ tim ra mất.

Ba khi nào cũng yêu thương và nghe lời mẹ trong chuyện gia đình. Mẹ rất nghiêm khắc và ít khi bộc lộ tình cảm, nên chúng tôi không hiểu được tình yêu mẹ dành cho ba như thế nào.

Chỉ sau khi ba mất, và đến cuối đời mẹ, hơn mười năm sau chúng tôi mới hiểu, hơn mười năm đó mẹ sống như trong địa ngục vì nỗi nhớ thương ba không gì bù đắp nổi, không quên đi được dù một phút, một giây.

Cuộc sống của mẹ những năm sau đó chỉ để nuôi dạy các con, khi đó em Vịnh còn bé quá và chúng tôi cũng chưa nên người – còn về tâm hồn, mẹ đã chết cùng với ba từ ngày 6 tháng 7 năm 1967.

Ba gặp và yêu mẹ tôi khi mới bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, nhưng do hoàn cảnh, cả hai người đều phải đi hoạt động, kho khăn nguy hiểm trăm bề. Phải chờ sau khi cách mạng thành công, năm 1946 mới làm lễ cưới.

Tình yêu của ba mẹ tôi được thử thách trong những năm tháng khói lửa chiến tranh, đã trải qua những thời khắc khốc liệt.

Ba mẹ chúng tôi xuất thân từ miền quê nghèo nhưng luôn lạc quan, hài hước, không bao giờ chịu đầu hàng trước nghịch cảnh.

Ba mẹ sống với nhau tình cảm vô cùng, cho dù ít bộ lộ những tình cảm ấy ra bên ngoài mà luôn để nó lặn vào bên trong cái vẻ ngoài xù xì, thô ráp. Trong gia đình, ba tôi gọi mẹ là “mẹ nó”, mẹ gọi ba bằng “anh” xưng “tui”.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tham gia cách mạng năm 1934, nhập ngũ năm 1950, được phong hàm Đại tướng năm 1959.

Ông từng đảm nhiệm các chức vụ như: Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên; Bí thư Khu ủy Khu 4; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam...

Từ 1965 đến 1967 ông là Bí thư Trung ương cục miền Nam, Chính ủy quân giải phóng miền Nam, tham gia lãnh đạo và chỉ đạo cách mạng miền Nam và cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm chính trị – quân sự. Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng huân chương sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương chiến thắng hạng nhất...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng (ghi) ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN