Chơi bên máy dệt, bé 10 tuổi bị lột da từ trán đến đỉnh đầu
Bệnh nhi được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng da đầu bị lột một mảng từ trán đến đỉnh đầu.
Các bác sĩ trong ca ghép da đầu cho bé gái 10 tuổi.
Ngày 20/9, bác sĩ Đào Văn Giang, Phó trưởng khoa Phẫu thuật Hàm mặt và Tạo hình Thẩm mỹ (BV Việt Đức) cho biết, BV vừa ghép da đầu tự thân cho bệnh nhi H (10 tuổi, Hà Nam).
Sau ca ghép 4 ngày, sức khỏe bệnh nhi đã ổn định và tiếp tục được theo dõi.
Trước đó, bệnh nhi được gia đình đưa đến cấp cứu trong tình trạng da đầu bị dứt rời 1 mảng từ trán đến đỉnh, kích thước khoảng 10x10cm.
Mảnh da đầu bị đứt được gia đình mang theo. Gia đình cho biết, bé có mái tóc dài đến eo. Trong lúc mẹ làm việc, bé lại gần chơi cùng. Bất ngờ, mái tóc của bé bị cuốn vào khung máy dệt. Mẹ bé nhanh chóng tắt nguồn điện nhưng một mảng da đầu phía trên trán bị tróc, nên nhanh chóng đưa đến BV.
Theo bác sĩ Giang, đối với các trường hợp lột da đầu các bác sĩ sử dụng phương pháp trồng lại bằng kỹ thuật vi phẫu. Nhưng với trường hợp của bệnh nhi H. mảng da đầu nát thành nhiều mảng nhỏ, mạch máu bị phá hủy nên không thể trồng lại bằng kỹ thuật vi phẫu. Vì vậy, BV quyết định sử dụng phương pháp ghép da tự thân.
Với mảng da đầu bị dập nát, mạch máu bị tổn thương đứt đoạn, các bác sĩ đã lấy da mỏng từ mảng da đầu đứt rời đó bằng máy lấy da và đục lỗ mắt lưới ghép lại cho bệnh nhân.
Sau ca ghép, sức khỏe bệnh nhi ổn định, mảng da ghép dự kiến sau 5 ngày sẽ được mở gạc.
Bác sĩ Giang khuyến cáo, đối với phụ nữ có mái tóc dài khi làm việc gần máy móc cần đội mũ, buộc tóc để tránh xảy ra tai nạn.
Trường hợp người có tóc dài bị nạn, thì cho phần đứt rời vào túi nilong sạch buộc kín lại rồi đặt trong thùng nước đá nhưng tránh cho mảng da tiếp xúc trực tiếp với nước lạnh. Sau đó, gia đình nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được các y bác sĩ xử lý, cấp cứu.
Bé gái 13 tuổi bị máy ép nước mía cuốn mái tóc dài, kéo văng cả một vùng da đầu.