Cầu Ghềnh sập, đổi phương án trung chuyển khách đi tàu
Với phương án trung chuyển mới, hành khách tại ga Sài Gòn vẫn sẽ lên tàu để di chuyển, nhưng sau đó xuống tàu tại ga Sóng Thần rồi đi ô tô tới ga Biên Hòa.
Phương án trung chuyển hành khách đi tàu từ ga Sài Gòn, và từ ga Biên Hòa về ga Sài Gòn (dự kiến).
Chiều 21.3, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã có thông cáo báo chí nêu rõ phương án đi tàu trong thời gian tới. Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, đây là giải pháp được đưa ra để đảm bảo hành khách di chuyển thuận lợi và an toàn hơn, đồng thời giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Trong thông cáo báo chí, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam yêu cầu: “Các công ty vận tải đường sắt, chi nhánh khai thác và các ga bố trí nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn hành khách đổi, trả vé, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho hành khách. Hành khách có nhu cầu đổi trả vé, thay đổi lịch trình sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả”.
Các hành khách đang lên xe trung chuyển tới ga Biên Hòa.
Trao đổi với PV lúc 16h30, ông Lê Quốc Trung - Phó Tổng Giám đốc Đường sắt Sài Gòn cho biết, thay vì trung chuyển hành khách giữa ga Sài Gòn và ga Biên Hòa bằng ô tô như hiện nay, việc trung chuyển sẽ được thực hiện linh động giữa ga Sóng Thần hoặc ga Dĩ An (Bình Dương) với ga Biên Hòa.
“Ở ga Sài Gòn vẫn còn tàu chạy được. Chúng tôi sử dụng các tàu này để đưa hành khách tới ga Sóng Thần hoặc Dĩ An, sau đó trung chuyển bằng ô tô tới ga Biên Hòa ở gần đó. Sử dụng cả 2 ga Sóng Thần và Dĩ An để tiết kiệm thời gian, khi một tàu đang về thì tàu khác vẫn có thể đi”, ông Trung giải thích.
Như vậy, hành khách tại ga Sài Gòn sẽ vẫn lên tàu để di chuyển tới ga Sóng Thần hoặc ga Dĩ An (Bình Dương) theo sự sắp xếp của ga Sài Gòn. Sau đó, tất cả hành khách xuống tàu, di chuyển sang xe ô tô để trung chuyển sang ga Biên Hòa. Tại đây, hành khách lên tàu và tiếp tục hành trình tới các tỉnh, thành.
Trao đổi với PV lúc 17h, ông Đỗ Quang Văn - Giám đốc Công ty Vận tải Đường sắt chi nhánh Sài Gòn cho biết, đó là kế hoạch dự kiến chứ chưa áp dụng trong hoạt động của ga. “Sau khi áp dụng phương án này, hành khách tới ga Sài Gòn sẽ vẫn đi đúng theo thời gian trên vé tàu”, ông Văn khẳng định.
Ngoài 5 đôi tàu Thống Nhất (chạy hướng Sài Gòn - Hà Nội và ngược lại), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì chạy 2 đôi tàu Hà Nội - Nha Trang (SE1/2 và SE7/8) và 3 đôi tàu khách địa phương đến TP.HCM (Vinh - Sài Gòn, Quy Nhơn - Sài Gòn và Nha Trang - Sài Gòn).
Mặc dù phải mang theo nhiều hành lý đi xe trung chuyển nhưng hầu hết các hành khách đều cảm thông cho nhà ga.
Về vận tải hàng hóa, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tổ chức vận chuyển hàng hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Riêng hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom và Hố Nai.
Trước đó, vào trưa 20.3, tàu kéo mang biển số SG 3745 do tài công Trần Văn Giang điều khiển, kéo theo sà lan biển số SG 5984 chở cát lưu thông trên sông Đồng Nai hướng về cầu Hóa An. Khi đến cầu Ghềnh (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) thì tông cực mạnh vào mố cầu số 2.
Cú đâm mạnh làm nhịp cầu này rớt chìm xuống sông. Nhịp cầu thứ 3 cũng rớt và cắm một đầu dưới sông. Thời điểm sà lan đâm sập cầu có nhiều người đi xe máy, khiến nhiều người và xe rơi xuống sông. Rất may, tất cả đều thoát nạn.
Ba người liên quan trực tiếp trong vụ tai nạn sà lan tông sập cầu Ghềnh là chủ tàu và hai tài công đã được di lý từ Sóc Trăng về Đồng Nai để phục vụ điều tra.