Buýt nhanh "cõng" gần 30 nghìn lượt khách trong 3 ngày

Trung bình mỗi ngày có khoảng 10.000 lượt hành khách đi xe buýt nhanh BRT, tuyến Kim Mã- Yên Nghĩa.

Buýt nhanh "cõng" gần 30 nghìn lượt khách trong 3 ngày - 1

Buýt nhanh đón khách tại nhà chờ Giảng Võ

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết, sau 5 ngày vận hành khai thác, buýt nhanh được nhiều người dân Thủ đô đón nhận, ủng hộ. Số lượng người đi buýt nhanh tăng lên theo từng ngày.

Cụ thể, ngày 1/1, có khoảng 8.000 lượt hành khách đi buýt nhanh; ngày 2/1 có 10.000 lượt hành khách; ngày 3/1 khoảng 11.000 lượt hành khách.

“Như vậy thống kê sơ bộ trong 3 ngày (1-3/1/2017), buýt nhanh đã phục vụ 29.000 lượt hành khách. Người dân được miễn phí vé đi buýt nhanh trong 1 tháng”, ông Hải nói.

Theo ông Hải, vào giờ thấp điểm, làn đường dành riêng cho buýt nhanh tại các tuyến như Quang Trung, Lê Trọng Tấn, Lê Văn Lương... khá thoáng. Tuy nhiên vẫn xuất hiện một vài phương tiện lấn làn, tạt đầu xe buýt.

Giờ cao điểm, lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vẫn đứng chốt ở các nút giao hướng dẫn, phân luồng giao thông. Một số nút giao trên đường Lê Văn Lương, Tố Hữu có xảy ra ùn ứ phương tiện nhưng không kéo dài.

Buýt nhanh "cõng" gần 30 nghìn lượt khách trong 3 ngày - 2

Hành khách ở bên trong nhà chờ Giảng Võ

“Ý thức người dân cũng tăng lên rõ rệt, nhất là những người điều khiển ô tô. Vào giờ cao điểm, dù đường đông, nhưng lái xe ô tô vẫn đi đúng làn, không lấn vào làn của xe buýt nhanh chạy. Chỉ có một số ít lái xe taxi, xe máy chạy vào làn xe buýt nhanh, gây khó khăn cho lái xe”, ông Hải thông tin.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội cho biết thêm, trong thời gian đầu, lực lượng cảnh sát giao thông mới chỉ nhắc nhở người điều khiển phương tiện đi vào làn buýt nhanh, chưa xử phạt.

Sau 5 ngày vận hành, lái xe buýt nhanh không phàn nàn, kêu khó khăn gì. Chỉ xảy ra một vụ va chạm giữa xe buýt nhanh và ô tô con tại ngã tư Giảng Võ- Đê La Thành ngày 4/1. Vụ va chạm khiến kính xe buýt nhanh bị vỡ, không gây thiệt hại về người.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng tại các nhà chờ, thông tin hiển thị bên trong nhà chờ, đèn tín hiệu tại các nút giao để tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho người dân”, ông Hải nói.

Buýt nhanh chính thức đưa vào vận hành khai thác từ ngày 1/1/2017. Tuyến buýt nhanh chạy theo lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Lê Văn Lương kéo dài - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Theo tính toán của đơn vị quản lý, xe buýt nhanh di chuyển cả chặng Kim Mã - Yên Nghĩa dài 14 km, mất khoảng 45 phút.

Buýt nhanh  hoạt động từ 5 giờ sáng đến 22h với tần suất hoạt động 5-10-15 phút/lượt. Giá vé hiện nay được bán 7.000 đồng/lượt. Nhân viên bán vé và kiểm tra vé tại nhà chờ xe buýt.

Tổng đầu tư của dự án gồm xây dựng hạ tầng, nhà chờ, phương tiện... là 55 triệu USD (trên 1.100 tỷ đồng) bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới, trong đó Việt Nam góp vốn đối ứng bằng chi phí giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Những vấn đề xung quanh xe buýt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN