Bí thư Đinh La Thăng: “Quên chuyện chi ngân sách đi!”
Bí thư Thành ủy TP.HCM cho rằng các trường, trung tâm nghiên cứu nên sử dụng lẫn nguồn lực và trang thiết bị của nhau để nâng cao hiệu quả.
Bí thư Đinh La Thăng đang thăm các phòng nghiên cứu của ĐH Quốc tế.
Chiều 15.3, Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã dẫn đầu đoàn công tác đến thăm các trung tâm, đơn vị trực thuộc và có buổi làm việc với Ban Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM.
4 kiến nghị của Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Phan Thanh Bình - Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đã báo cáo về tình hình hoạt động và đưa ra nhiều kiến nghị tới Bí thư Thành ủy TP.HCM. Ông Bình cho biết, ĐH Quốc gia TP.HCM đang có 7 đơn vị thành viên và 28 đơn vị trực thuộc.
“Về đội ngũ, ĐH Quốc gia TP.HCM có tổng cộng 5.514 cán bộ - công chức, viên chức. Trong đó, số cán bộ giảng dạy và nghiên cứu là 3.769 người, với trình độ sau đại học chiếm trên 78% (1.869 PGS và 1.087 TS). Hiện, quy mô đào tạo là 57.274 sinh viên”, PGS.TS Phan Thanh Bình báo cáo.
Đặc biệt, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhấn mạnh tới việc đơn vị này đang tham gia giải quyết các vấn đề trọng điểm trong quá trình phát triển của thành phố, gồm ứng dụng khoa học công nghệ giảm ùn tắc giao thông, chương trình chống ngập, phát triển công nghệ vi mạch và chương trình Khoa học Y sinh.
Kết thúc phần báo cáo, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra 4 kiến nghị với Bí thư Thành ủy. Đầu tiên là kiến nghị Bí thư Thành ủy chỉ đạo các sở, ngành của thành phố cùng phối hợp với ĐH Quốc gia TP.HCM đánh giá lại các chương trình, dự án đã hợp tác trong giai đoạn 2010 - 2015, làm cơ sở để tiếp tục phối hợp thực hiện có hiệu quả hơn trong giai đoạn 2016 - 2020.
Bí thư Đinh La Thăng dẫn đầu đoàn công tác tới làm việc với Ban Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM vào chiều 15.3.
Thứ hai là nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý, cơ chế tài chính trong triển khai các dự án hợp tác giữa TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM. Thứ ba là hỗ trợ ĐH Quốc gia TP.HCM triển khai đề án “ĐH Quốc gia TP.HCM góp phần xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm khoa học công nghệ - giáo dục lớn của cả nước và khu vực thông qua hợp tác với các đại học hàng đầu của Hoa Kỳ”.
Cuối cùng, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị Thành ủy TP.HCM chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tồn tại trong công tác tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng để có thể hoàn tất trong năm 2017.
“Chúng tôi có một bức xúc rất lớn về vấn đề đền bù giải tỏa. Trường của chúng tôi có 21 hecta, nhưng thực tế chỉ sử dụng có 10 hecta, 11 hecta còn lại vẫn chưa giải tỏa xong. Trong đó, có trường hợp đã tồn tại từ năm 2007 đến nay chưa thể giải quyết”, GS.TS Võ Văn Sen - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học, xã hội và nhân văn nói.
Về vấn đề này, ông Thăng đề nghị giải quyết một cách quyết liệt, nếu không được phải dùng biện pháp cưỡng chế đúng luật và càng làm sớm càng tốt.
“Quên chuyện chi ngân sách đi!”
Cũng trong buổi làm việc này, PGS.TS. Trần Linh Phước - Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM đã nêu ra những khó khăn trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học cơ bản, đó là rất tốn kém. Riêng trong kế hoạch phát triển của trường ĐH Khoa học tự nhiên, phòng thí nghiệm tế bào gốc theo thỏa thuận với TP.HCM tới nay vẫn chưa thực hiện được.
Nghe phản ánh từ PGS.TS. Trần Linh Phước, Bí thư Đinh La Thăng hỏi ngay: “Làm thế nào để tháo gỡ được khó khăn này?”
Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, các trường, trung tâm nghiên cứu nên sử dụng nguồn nhân lực và thiết bị lẫn nhau để phát huy hiệu quả.
Đại diện Sở Tài chính có mặt trong buổi làm việc, trả lời: “ĐH Quốc gia thuộc diện chi của ngân sách trung ương nên ngân sách thành phố không chi được. Tuy nhiên, đối với các ngành này, thành phố có chương trình kích cầu để hỗ trợ lãi suất”.
Theo đại diện Sở Tài chính, các nội dung này đều có trong chương trình kích cầu. Cụ thể, thành phố sẽ hỗ trợ lãi suất 100% trong một thời gian cụ thể. Đơn vị chỉ cần chuẩn bị 30% vốn tự có, còn lại 70% sẽ do các tổ chức tài chính cho vay.
“Ý của các trường là không muốn vay mà muốn hỗ trợ luôn…”, đại diện Sở Tài chính nhấn mạnh. Ngay lập tức, Bí thư Thăng ngắt lời: “Mấu chốt là ở chỗ đấy. Vay là phải trả”.
“Nhưng đầu tư ở đây là một loại đầu tư rủi ro. Trên nguyên tắc đầu tư nghiên cứu có thể được, cũng có thể không được. Vấn đề là có cơ chế tài chính nào để tháo gỡ được vướng mắc hiện nay”, ông Thăng nói.
“Quên chuyện chi ngân sách đi! Mà vay thì ai đứng ra vay?”, ông Thăng nhấn mạnh, đồng thời đưa ra ví dụ về trường hợp Khu công nghệ cao TP.HCM có 280 người nhưng chỉ mang về cho thành phố doanh thu 30 tỉ/năm là chưa hiệu quả.
Theo ông Thăng, TP.HCM có nguồn lực về trí tuệ, tri thức cực kỳ lớn (ĐH Quốc gia, khu công nghệ cao,… đều có giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà khoa học). Tuy nhiên, do đầu tư phân tán, chưa sử dụng được người và trang thiết bị của nhau nên chưa mạnh, hiện tại còn manh mún.
“Khi sử dụng lẫn người và thiết bị của nhau sẽ mạnh và hiệu quả hơn, phát huy được sự sáng tạo và năng lực trí tuệ”, ông Thăng khẳng định.
Mặc dù vậy, ông Thăng vẫn đánh giá: “Đầu tư cho ĐH Quốc gia như đầu tư cho sự phát triển của thành phố”. Bên cạnh đó, ông Thăng đề nghị TP.HCM và ĐH Quốc gia TP.HCM nên phối hợp, nghiên cứu thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm theo hướng quỹ đầu tư tư nhân hoặc cổ phần.