Bí ẩn "cụ vải" cổ thụ 6 người ôm trên đỉnh núi Ký Thì
"Cụ vải" này gốc to bằng 6 người ôm, cao trên 20m tỏa bóng rộng choán hết cả một khoảng đất lớn ở bản Ký Thì (xã Yên Cương, huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang). Vào mùa quả vải chín, chim rừng kéo đến ăn quả rợp cả một góc trời.
Đừng từ dưới chân núi Ký Thì nhìn lên, bóng cây vải tựa như một chiếc ô khổng lồ. Thân cây vững chãi như cột chống trời. Gốc xù xì, mọc lên những cục u gỗ to như cái ấm đun nước. "Cụ vải" mọc treo leo bên vách núi, một bên là vực, một bên là nền đá cứng.
Cụ vải này cao hơn 20m.
Theo các cụ già người Mông nơi đây, họ lớn lên đã nhìn thấy cây vải to như thế rồi. Không một ai biết cây vải này do ai trồng và có từ bao giờ, chỉ biết rằng đến mùa vải chín, chim rừng bay về rợp trời để ăn quả. Do cây vải giờ quá cao, không ai trong bản dám trèo lên hái quả. Ông Giàng A Cẩm, Bí thư chi bộ bản Ký Thì chia sẻ, mấy năm trước có một cành thấp bị gẫy, dân mới được ăn vải. Quả vải chín mọng, ăn ngọt lừ...
Cây vải khổng lồ này đã có từ lâu. Gốc vải to, 6 người ôm mới hết.
Cũng theo ông Cẩm, cây vải đã gắn bó với bao đời người Mông nơi đây. "Đi đâu xa, về tới chân dốc núi đá là mọi người đã nhìn thấy bóng cây vải. Nó (cây vải - PV) tựa như cái mốc đánh dấu để bước chân người Mông nơi đây về bản không bao giờ bị nhầm".
Nhìn qua thì chỉ thấy cây um tùm lá, rễ. Song, quan sát kỹ, gốc sanh có dáng long, thế quật khởi.