Bão số 4 khiến 2 người chết, 34 người bị thương
Sóng to, gió lớn đã làm 2 người chết, 34 người bị thương cùng nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa bị hư hỏng; tàu thuyền bị đánh chìm khi cơn bão số 4 đổ bổ đất liền nước ta.
Nhiều cây xanh bị gãy, đổ trong cơn bão số 4 (Ảnh: Báo Gia đình và Xã hội)
Theo ông Hoàng Đức Cường - Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, đêm 12/9, bão số 4 có tên quốc tế RAI đã đổ bộ vào đất liền các tỉnh từ Quảng Nam – Quảng Ngãi với cường độ cấp 8, gió giật cấp 9-10.
Sau đó, bão đi sâu vào đất liền rồi nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới và áp thấp. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, sau là áp thấp nhiệt đới, nhiều nơi đã có mưa vừa mưa to đến rất to.
Ngày 13-14/9, các tỉnh từ Nghệ An đến Thừa Thiên Huế có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến 50-100 mm. Khu vực bắc Tây Nguyên sáng nay có mưa to, lượng mưa phổ biến 50 mm.
Hiện mực nước trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi và khu vực Bắc Tây Nguyên đang lên và tiếp tục lên. Các khu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, sông Vệ, sông ở Thừa Thiên Huế và khu vực Bắc Tây Nguyên ở mức báo động 1 và trên báo động 1.
Về tình hình thiệt hại do cơn bão số 4, ông Tăng Đức Chính – Phó chánh văn phòng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai báo cáo, tính đến 17 giờ ngày 13/9 đã có 2 người chết và 34 người bị thương.
Cụ thể, 2 người chết là ông Trần Xuân Hồi (sinh năm 1949, xã Lộc An, huyện Phú Lộc, tỉnh TT-Huế) bị trượt ngã tại bến nước sông Truồi lúc 1 giờ 30 ngày 13/9 và anh Nguyễn Hùng (sinh năm 1974, xã Bình Dương, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) bị cuốn vào máy sục khí hồ tôm khi đang kiểm tra máy lúc 2 giờ ngày 13/9.
34 người bị thương bao gồm Nghệ An 1 người, Quảng Bình 13 người, Quảng Trị 8 người, Huế 1 người, Đà Nẵng 11 người.
Ngoài ra, bão số 4 còn khiến 865 ngôi nhà bị sập, tốc mái, hư hỏng; 8.422ha lúa, 2.063ha hoa màu bị ngập; 18ha cây trồng lâu năm và 59 ha cây trồng hàng năm bị thiệt hại; 578 cây bóng mát, cây xanh đô thị bị gãy đổ.
Hơn 300 con gia cầm bị chết, cuốn trôi; 7 tàu thuyền bị hư hỏng; 35 cột điện bị gãy, đổ, 1 trạm biến áp bị hư hỏng…
Ông Chính yêu cầu các cơ quan, ban, ngành và địa phương cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến của siêu bão Meranti; thông báo cho tàu thuyền hoạt động trên khu vực Bắc biển Đông biết diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với diễn biến mưa lũ tại các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng Bình. Tổ chức thống kê đánh giá thiệt hại và huy động lực lượng, phương tiện giúp dân ổn định đời sống sau bão số 4.
Kiểm tra an toàn hồ đập (hồ thủy lợi và thủy điện), đặc biệt là các công trình đang thi công nhất là công trình trên sông suối tại các tỉnh có mưa lớn để sẵn sàng triển khai ứng phó.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả.