Ba mẹ con bị người thân đuổi ra khỏi nhà

Không một tấc đất "cắm dùi", bị người thân hắt hủi, 3 mẹ con khốn khổ đã dắt díu nhau ra chợ dựng lều để đi ăn xin. Chị là Lại Thị Long, SN 1970, trú tại xóm 4, xã Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An.

"Như hạt mưa sa"…

Chị Long sinh ra trong một gia đình thuần nông có hoàn cảnh khó khăn, nhà lại đông anh em, bố mẹ thì bệnh tật. Bởi thế, chị Long không được học hành đến nơi đến chốn. 14 tuổi đã phải lầm lũi, trèo đèo, lội suối hái củi, bẻ măng rừng,… bán kiếm tiền mua gạo.

Là người con gái đảm đang, tháo vát nên rất được nhiều chàng trai trong thôn ngỏ ý muốn cưới làm vợ. Nhưng vì "cha mẹ đặt đâu con nằm đó" nên chị Long dù không "ưng cái bụng" nhưng phận con cái không dám cãi lại bố mẹ. Tuy chưa chọn ngày ăn hỏi nhưng hai gia đình thông gia cũng qua lại "chén chú chén anh" rất gần gũi thân mật.

Tưởng rằng "chuyện đã êm đẹp" thì người chồng sắp cưới của chị đột ngột đổ bệnh hiểm nghèo bỏ chị và người thân ra đi. Cũng chính từ đó cuộc đời của người con gái trẻ sớm phải "gánh" nặng nỗi đau mất chồng sắp cưới với lời dị nghị là kẻ "sát" chồng. Một mình không thể "chiến đấu" lại với miệng lưỡi thế gian. "Con mụ này do bị ép duyên nên đã tìm mọi cách "hạ độc" người chồng sắp cưới của mình để trốn thoát "lưới tình". Nó là con ác độc, đã giết người rồi lại còn la làng. Nó đáng để con ma rừng trừng trị, đừng để nó tồn tại trên trần gian mà làm vấy bẩn,…". Ruột gan chị Long đau như cắt, suốt ngày chị "nhốt" mình trong nhà không dám ra đường, không chịu ăn uống gì, đêm đến dằn vặt,… Nhiều lần chị định tìm đến cái chết nhưng bố mẹ khuyên "con mà chết là đã thừa nhận con đã giết chồng sắp cưới của con đó. Con phải sống để chứng minh là người hoàn toàn trong sạch". Từ đó chị Long cố gượng dậy để tiếp tục sống, sống đúng với lương tâm. Nhưng tính tình chị trở nên hoàn toàn khác, lầm lì, ít nói, chỉ biết lấy việc đồng áng làm bạn,…

Năm chị 36 tuổi, nỗi đau cũng đã dần chìm vào quên lãng, chị Long được người quen mai mối cho ông Trương Văn Dần, hơn chị hai giáp đã có 4 đứa con. Nhiều lần đắn đo có nên theo ông Dần về làm lẽ không? "Bâng khuâng đứng giữa hai dòng nước", cuối cùng chị cũng "chặc lưỡi"  lên xe hoa về nhà chồng. Ngày chị Long bước chân "lên đò" lần hai không loa đài rộn rã, mà ra mắt anh em, bà con chòm xóm chỉ có bát nước chè xanh, đĩa trầu, chén rượu cho có lễ. Chị biết là về làm lẽ không hề "thuận buồm xuôi gió" nhưng trên môi chị đã hé nở nụ cười tuy còn ngượng nghịu, có chút ái ngại và thẹn thùng,…

Chị Long ngậm ngùi chia sẻ: "Ngày đó, khi được ông Dần hỏi cưới, cả nhà ai cũng giục tôi đồng ý, nếu không tôi sẽ phải ở vậy suốt đời. Thôi thì nhắm mắt làm liều, lấy người ta cho có một gia đình. Coi như ông trời vẫn còn thương tôi, cho tôi một mái ấm gia đình, có chỗ sớm tối đi về ".

Mới ngày về làm dâu, chị Long cảm thấy mình có một nửa để chia sẻ, ông Dần cũng thương vợ, con chồng cũng rất quý dì nuôi. Bởi thế, bến đỗ của chị Long cũng phần nào yên ổn, cuộc sống ấm áp xum vầy,… Nhưng rồi, cảnh bình yên đâu có được lâu, sự gièm pha, xúi giục của người dưng về quá khứ chị Long không mấy tốt đẹp cho lắm, mấy đứa con chồng dần tỏ ra khinh miệt, ăn nói hỗn láo với chị. Khi có ông Dần ở nhà thì  mọi chuyện êm đẹp, còn khi ông Dần vắng nhà chúng lại lên mặt chửi bới chị Long: "Đồ đàn bà sát hại chồng cũng dám mò mặt về đây, bà không xứng để làm vợ bố tôi cũng không xứng để cho chúng tôi gọi bà bằng mẹ, bằng dì. Rồi bà cũng là kẻ thù của bố con chúng tôi thôi…". Chúng còn cho chị là người ham tiền, lợi dụng nên mới theo ông Dần về làm lẽ,…  Những lời xỉ vả đó đã khiến cho tâm can chị đau như cắt, chị chỉ  biết nhẫn nại, chịu nhục cố kiềm chế để vượt qua những ngày tăm tối nơi "địa ngục trần gian".

"Rồi 2 đứa con riêng của chị lần lượt chào đời. Là niềm an ủi cũng như sợi dây cột chặt cuộc đời chị với ông Dần. Nhưng đâu ngờ bao bộn bề lo toan của cuộc sống từ chăm lo con đẻ cho đến con chồng lại đè nặng lại lên đôi vai người phụ nữ tội nghiệp này. Chị Long cố ngậm đắng nuốt cay để cho mọi chuyện êm đẹp, nhưng  "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa", ông chồng lại mắc phải bệnh hiểm nghèo, một thời gian cũng bỏ mẹ con chị ra đi. Không còn "cột cái" (người đàn ông làm trụ cột trong gia đình) làm chỗ dựa tinh thần, 4 đứa con chồng bắt đầu "lên mặt", cuộc tranh giành tài sản "con chung con riêng" trở nên quyết liệt. 4 đứa con chồng một mực tuyên bố: "Bố tôi mất rồi, bà cũng chẳng còn lý do gì mà ở đây nữa, cũng chẳng có máu mủ gì mà phải vương vấn. Bà đừng hòng nằm lì ở đây mà thừa kế của cải. Bà nên tìm bài "chuồn" cho sớm, kẻo đến lúc tai họa ập đến lại hối hận không kịp".

Chị Long chỉ biết quệt những giọt nước mắt lăn trên hai gò má hốc hác, đen sạm rồi ôm hai đứa con nhỏ vào lòng an ủi. Chị Long biết được cái giờ phút này rồi sẽ đến, chị cũng nghĩ phận làm lẽ là tủi nhục, đắng cay biết nhường nào. Đôi mắt chị đỏ hoe sâu hoắm, bật khóc: "Tui không nghĩ là mấy đứa con của chồng lại cạn tình cạn nghĩa đến thế. Trong suốt thời gian về làm lẽ, tôi chăm sóc chúng nó rất chu đáo, cũng mong sau này chúng đối đãi với tôi có chút tình nghĩa. Chúng cũng chẳng coi 2 đứa con tui là em nữa, dù sao cũng có chút máu mủ cơ mà".

Ba mẹ con bị người thân đuổi ra khỏi nhà - 1

Cảnh sinh hoạt của 3 mẹ con trong "khu ổ chuột" ở chợ Nghĩa Bình

Dựng lều ở chợ

Chẳng chút tình nghĩa, mấy đứa con chồng đuổi thẳng cổ 3 mẹ con ra khỏi nhà. Không còn cách nào khác, 3 mẹ con dìu nhau về bên ngoại mong được cưu mang, che chở. Thế nhưng, cuộc đời sao lại trớ trêu đến thế, anh em đã thẳng thừng từ chối, con gái đã "xuất giá tòng phu" dù có chết cũng phải làm con ma ở nhà chồng.

Cuộc đời mẹ con chị Long "tối đâu là nhà, ngã đâu là giường". Là phụ nữ "chân yếu tay mềm" với 2 đứa con nhỏ, gầy guộc, suy dinh dưỡng,… 3 mẹ con đã trôi dạt về chợ Nghĩa Bình để có chỗ "nương thân". Hàng ngày, ba mẹ con chị dắt díu nhau đi ăn xin để kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày. Tài sản quý nhất của 3 mẹ con là mấy cái nồi hoen gỉ, 1chiếc chiếu rách, 1 cái màn vá víu và mấy bộ quần áo rách bẩn.

Rời khu chợ, nơi mẹ con chị Long sống tạm thì mặt trời đã đỏ quạch sau lũy tre làng, vẫn cái mùi oi nồng, hôi thối từ những đồng rác rưởi bốc lên khiến cho không khí càng thêm ngột ngạt. Hai đứa con của chị Long, gầy gò, đen đúa đang đùa với nhau nơi bóng cây đổ. Có lẽ chúng còn quá nhỏ để hiểu được những gì mà mẹ con chúng đang trải qua. Và không biết khi nào ba mẹ con chị có cuộc sống trong một mái nhà yên ấm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Bích, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Bình cho biết: "Việc mẹ con chị Long dắt díu nhau ra chợ sống, chính quyền địa phương cũng nhận được phản ánh của người dân. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ cùng các ban ngành, đoàn thể vận động mọi người cùng chung tay giúp mẹ con chị ấy".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Tập (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN