Ám ảnh mất người thân trên vùng cao lanh thổ phỉ

Những lúc nông nhàn, không có thu nhập, nhiều người dân tại xã Sơn Thủy (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ) lại lầm lũi chui vào những hang sâu hun hút dưới lòng đất để móc cao lanh bán kiếm thêm thu nhập, đắp đổi cuộc sống qua ngày. Hiểm họa sập hầm lò luôn rình rập họ và những vành khăn trắng là nỗi ám ảnh đối với người dân nơi đây.

Ám ảnh mất người thân trên vùng cao lanh thổ phỉ - 1

Khu đồi tại xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn) nham nhở, không thể canh tác do hoạt động khai thác cao lanh thổ phỉ để lại hệ quả. Ảnh: H.Châu

Tiếng gọi mẹ đầy ám ảnh

Đã hơn 2 tháng trôi qua, nhưng nỗi đau mất mẹ vẫn hiện hữu trên khuôn mặt hai đứa con (10 tuổi và 9 tuổi) của chị Bùi Thị Sen (SN 1984, khu 6 xã Sơn Thủy, huyện Thanh Thủy). Những tháng đầu năm 2016, do công việc xây dựng lúc có, lúc không nên vợ chồng anh Nguyễn Văn Long (SN 1981) và vợ là Bùi Thị Sen mỗi sáng thức dậy lại chui vào hầm cao lanh thổ phỉ ở trong vườn nhà để móc cao lanh đem bán. Mỗi ngày lao động vất vả, hiểm nguy như vậy, đôi vợ chồng trẻ này cũng kiếm được khoảng 100.000 đồng (giá bán tại chỗ được khoảng hơn 20.000 đồng/bao quặng cao lanh nặng 50kg), đủ tiền để lo cho ăn học của hai cậu con trai và sinh hoạt gia đình.

Nhưng nỗi đau ập đến gia đình nhỏ này vào ngày 13/4, khi hầm thổ phỉ mà vợ chồng anh Long khai thác bị sập. Lúc được phát hiện và lôi ra khỏi lòng đất thì chị Sen đã tử vong, còn anh Long thì được đưa đi cấp cứu trong tình trạng đa thương tích. Từ ngày mất mẹ, hai đứa con nhỏ của chị Sen cứ tha thẩn, ngơ ngác, rơm rớm nước mắt nói rằng mẹ chúng không về nữa.

Theo người dân xã Sơn Thủy thì những nỗi đau tang tóc như trên là hệ quả của hoạt động khai thác khoáng sản cao lanh trong các hầm thổ phỉ. Nhưng vì nỗi lo cơm áo gạo tiền nên nhiều người vẫn liều mình chui vào các hầm thổ phỉ khai thác cao lanh trái phép kiếm kế mưu sinh. “Biết là có thể mất mạng do sập hầm, ngạt khí nhưng lúc nông nhàn, không có thu nhập nhiều người trong chúng tôi vẫn phải đánh cược mạng sống để lấy cái ăn”, một người dân ở đây nói.

Tìm hiểu của PV, hoạt động khai thác khoáng sản cao lanh thổ phỉ đã diễn ra nhiều năm tại xã Sơn Thủy dẫn đến những hệ lụy thương tâm. Đã có 5 vụ gây chết người, còn những vụ tai nạn thì nhiều và chưa có thống kê cụ thể.

Đất chết sau cơn bão khoáng sản thổ phỉ quét qua

Dẹp nạn khai thác cao lanh thổ phỉ cũng đồng nghĩa với việc kiểm soát chảy máu tài nguyên, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Những vấn đề này được các cấp chính quyền UBND tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm. Ví dụ như tại huyện Thanh Thủy, thời điểm những năm 2000, hầm khai thác cao lanh thổ phỉ nở rộ như nấm sau mưa. Việc khai thác thổ phỉ được thực hiện ngay trong vườn đồi của từng hộ dân. Tình trạng này diễn biến phức tạp, nhức nhối trong xã hội. Chính quyền tỉnh Phú Thọ đến nay đã phần nào kiểm soát được tình trạng khai thác thổ phỉ này, nhưng vẫn chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Việc người dân lén lút đào các hầm khai thác trái phép ngay trong vườn nhà, đồi nhà vẫn còn.

Nói về tình trạng này, ông Nguyễn Bá Hùng, Chủ tịch UBND xã Sơn Thủy thừa nhận là vẫn còn tồn tại hoạt động khai thác cao lanh trái phép theo kiểu thổ phỉ, dù nhân dân đã được chính quyền cảnh báo nhiều về vấn đề này. Ông Hùng phân tích: “Có cầu thì sẽ có cung. Không lẽ người dân khai thác cao lanh rồi đắp đống trong nhà? Do đó, cần phải làm rõ ai thu mua? Đầu nậu là ai? Tại sao có thể dễ dàng thu gom và đưa đi tiêu thụ khoáng sản không rõ nguồn gốc?”.

Không chỉ riêng xã Sơn Thủy, theo tìm hiểu của PV thì tại xã Thạch Khoán (huyện Thanh Sơn), chính quyền địa phương cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề từ hoạt động khai thác khoáng sản cao lanh cả có phép và thổ phỉ. Ông Phùng Văn Việt, Chủ tịch UBND xã Thạch Khoán cho biết chính quyền đang “đau đầu” với tình trạng khai thác cao lanh đã gây xô lũ, sạt lở không ít diện tích đất canh tác vốn ít ỏi của xã. Hậu quả là người dân bị thu hẹp đất sản xuất do hiện tượng sụt trượt từ hoạt động khai thác cao lanh trước đó gây ra.

Vấn đề dư luận quan tâm là đầu ra cho hàng trăm tấn cao lanh trái phép đã chảy về đâu? Vì sao cao lanh lậu được vận chuyển trái phép ra khỏi địa bàn mà lực lượng hữu trách không phát hiện được? Nếu ngăn chặn được đầu ra này của “quặng bẩn” thì có lẽ chủ trương dẹp nạn khai thác cao lanh trái phép, thổ phỉ của UBND tỉnh Phú Thọ sẽ có kết quả khả quan. Và như vậy các khu đồi, vườn nhà dân không bị khoét rộng ruột. Và trên hết là sẽ không còn người dân vô tội, vì miếng cơm manh áo mà bất chấp tất cả đánh đổi mạng sống trong các hầm thổ phỉ.

Tại khu đồi Nhang Quế (xã Thạch Khoán, huyện Thanh Sơn), chúng tôi ghi nhận cảnh cả vùng đồi nham nhở, bỏ hoang do hoạt động khai thác cao lanh trái phép để lại. Còn tại khu Dộc Cày (cũng của xã Thạch Khoán), đứng từ bên khai trường Công ty TNHH khoáng sản Phú Thịnh nhìn sang, thấy cả một vạt đồi với bờ vở dựng đứng, vẫn còn loang lổ vết đào bới của hoạt động khai thác cao lanh. Vị cán bộ địa chính xã đi cùng chúng tôi cho biết, địa điểm trên vốn là thiên đường của nạn khai thác cao lanh thổ phỉ. Trước đó, quặng tặc đã ngầm thỏa thuận mua đất của dân và đưa phương tiện, máy móc vào khai thác trái phép. Hoạt động này cũng chỉ dừng khi Công an tỉnh Phú Thọ vào cuộc xử lý.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo H.Châu - V.Hoài (Gia đình & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN