3 phu vàng mắc kẹt: Bàn phương án nổ mìn phá cửa hang
Do cửa hang nơi 3 phu vàng mắc kẹt ở Thanh Hóa quá nhỏ nên lực lượng chức năng không thể đeo bình ôxy để vào hang được, công tác cứu hộ đang gặp khó khăn.
Khu vực hang Kịt, nơi 3 phu vàng đang mắc kẹt trong hang sâu
Chiều ngày 7-6, ông Nguyễn Thế Anh, Chánh văn phòng UBND huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cho biết đến 12 giờ trưa cùng ngày, lực lượng cứu hộ mới tiếp cận được khu vực hang Kịt, xã Lũng Cao, nơi 3 phu vàng đang mắc kẹt trong hang sâu.
Tuy nhiên, lực lượng cứu hộ không thể vào trong hang để tìm kiếm các nạn nhân được do hang quá hẹp, không đeo được bình dưỡng khí ôxy. “Hiện đại tá Trương Văn Luân, Phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa trực tiếp có mặt tại hiện trường cùng với ông Võ Minh Khoa, Phó chủ tịch UBND huyện Bá Thước và các ngành chức năng đang họp bàn để đưa ra các phương án xử lý. Các lực lượng cứu hộ đang tính toán có nên cho nổ mìn phá cửa hang hay không vì nếu không lấy được tảng đá ra thì sao. Lực lượng cứu hộ tại chỗ đang họp bàn để xin ý kiến của tỉnh” - ông Anh nói.
Ông Lương Ngọc Đanh, Chủ tịch UBND xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa, cho biết chiều 7-6 trên địa bàn vụ tai nạn có mưa rất lớn, kéo dài khoảng 30 phút nên lực lượng cứu hộ gặp nhiều khó khăn
Trước đó như Báo Người Lao Động đã thông tin vào ngày 5-6, anh Khà Văn Ngôn (SN 1991, còn gọi là Khà Văn Huyền, ngụ xã Pù Bin, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) xuống hang Nước (một hang nhỏ thuộc khu vực hang Kịt) để sửa máy đào vàng. Tuy nhiên, bị ngạt khí độc, anh Ngôn cố bò lên cửa hang tìm người cứu.
Khi đó ông Phạm Văn Dụng (SN 1962, ngụ xã Lâm Xa, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa) xuống hang cứu anh Ngôn. Do nồng độ khí độc khá lớn nên ông Dụng bị ngất, không thể ra khỏi hang. Đến ngày 6-6, ông Bùi Văn Mẫn (ngụ xã Sảo Bảy, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) xuống hang cứu 2 người kể trên và bị mắc kẹt không lên được.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, cho biết đến trưa ngày 6-6 UBND huyện nhận được tin báo và đã cử các lực lượng chức năng đến hiện trường tham gia cứu hộ, cứu nạn. Tuy nhiên do hang Nước quá sâu (300-400m) trong hang có khí độc, lực lượng cứu hộ, cứu nạn lại không có dụng cụ mặt nạ phòng độc, nên không thể xuống hang tham gia cứu hộ, cứu nạn.