Vụ thảm sát đẫm máu của quân Đức khiến 10 vạn người chết
Đây được xem là trường hợp diệt chủng quy mô lớn đầu tiên ở thế kỷ 20 khiến thế giới kinh hãi.
Những người tộc Herero và Nama bị lính Đức bắt làm tù binh.
Ngày 10.1 vừa qua, Đức đã bị Namibia kiện lên tòa ở quận Manhattan, thành phố New York, Mỹ về tội diệt chủng diễn ra cách đây hơn 100 năm. Namibia yêu cầu Đức phải xin lỗi và bồi thường về hành động thảm sát vô nhân đạo, được cho là khiến ít nhất 100.000 người thiệt mạng từ năm 1904 đến 1908.
Các sử gia coi đây là vụ thảm sát đầu tiên của thế kỷ 20 trong thời kì đế quốc Đức chiếm Namibia và đổi tên quốc gia này thành Nam Tây Phi. Tổng cộng 100.000 người Herero và 10.000 người Nama bị Đức giết hại, theo Jeremy Sarkin-Hughes trong cuốn “Thảm sát ở các vùng thuộc địa thế kỷ 20”.
Các cuộc thảm sát đẫm máu
Ít nhất 100.000 người Namibia bị giết bởi tay lính Đức chỉ trong 4 năm.
Quân Đức đụng độ binh lính ít trang bị của Namibia bắt đầu từ năm 1904 và đây được xem là cuộc chiến không cân sức. Tướng Trotha, chỉ huy lính Đức khẳng định đã tiêu diệt từ 3.000.-5.000 lính của bộ lạc Herero và Nama, tuy nhiên không thể thu hẹp vòng vây và tiêu diệt những người còn sót lại.
Sau đó, quân Đức dồn những người này tới vùng sa mạc và giết hại toàn bộ những người còn sót. Jan Cloete, một lính Đức chứng kiến thảm họa diệt chủng, nói: “ Khi tôi có mặt, quân Herero đã bị đánh bại trong trận Waterberg. Sau trận đánh, tất cả đàn ông, đàn bà, trẻ em đều rơi vào tay lính Đức. Họ đều bị xử tử. Những người nào may mắn sống sót bị quân Đức truy lùng tới cùng và giết bằng lưỡi lê hoặc bắn chết. Lính Herero không có vũ khí và chạy trốn trên lưng những con gia súc chậm chạp”.
Trại tập trung kinh hoàng
Tướng Trotha, người chỉ huy lực lượng Đức ở Namibia.
Dù nhiều người Namibia bị giết trong các cuộc chiến với quân Đức nhưng số lượng người chết nhiều nhất xảy ra trong các trại tập trung. Đế quốc Đức dựng lên trại tập trung đảo Cá Mập và dồn tất cả những người Namibia mà chúng bắt gặp vào đây.
Người bản địa bị chia nhỏ thành những nhóm khác nhau và phải lao động khổ sai. Mỗi người được phát một giấy chứng tử có ghi sẵn lí do “chết vì kiệt sức”. Năm 1918, chính phủ Anh từng thông báo về hành động diệt chủng trong quá khứ của Đức ở Namibia nhưng không được chú ý.
Những người ở bộ lạc Herero thiệt mạng ở các trại tập trung chủ yếu do bệnh tật, kiệt sức và suy dinh dưỡng. Theo thống kê, tỉ lệ chết tại các trại giam giữ hàng ngàn người này lên tới 74%. Tù nhân chỉ được ăn cơm mà không có thêm bất kì thức ăn nào.
Bệnh kiết lị, phổi rất phổ biến ở trại tập trung đảo Cá Mập. Dù vậy, người Herero và Nama bị bắt lao động khổ sai mỗi ngày. Nếu họ bị ốm, cái chết hầu như là điều cầm chắc.
Tác giả Isabel Hull trong cuốn “Văn hóa quân đội và tác phong thời chiến của lính Đức” viết: “Những người tù khổ sai bị đánh đập, tra tấn bằng roi da nếu họ ngã xuống. Họ có thể bị giết bất kì lúc nào nếu làm trái lệnh”.
Thời kỳ này cũng có nhiều người Nam Phi sang Namibia lao động. Sau khi quay trở về nước, họ kể lại những điều hãi hùng tận mắt chứng kiến. Fred Cornell, một người thợ khai thác kim cương, viết: “Đêm là thời điểm kinh khủng nhất trong ngày. Cái rét bủa vây. Những cơn đói hoành hành. Bệnh tật giết chết nhiều người mỗi ngày. Xác người chất đống. Họ bị đốt hoặc ném cho cá mập ăn”.
Các thí nghiệm y học man rợ
300 sọ người Namibia được gửi về Đức để thí nghiệm.
Ngoài bị hành hạ dã man, nhiều tù nhân trở thành đối tượng thí nghiệm của quân Đức. Bác sĩ Bofinger của quân Đức đã tiêm thuốc vào những người Herero mắc bệnh scurvy, trong đó có những chất độc như arsen hay dược chất từ cây anh túc.
Những người đã chết cũng không thoát cảnh bị đày đọa. Nhà sinh vật học Leopard Schultze viết rằng rất nhiều người vừa ngã xuống đã bị xẻ thịt làm thí nghiệm. Theo cuốn “"Der verleugnete Völkermord", ít nhất 300 sọ người Namibia đã được gửi về Đức làm thí nghiệm. Năm 2011, ít nhất 20 chiếc sọ cất giữ trong bảo tàng Charite được gửi trả về Namibia.