Vì sao Trung Quốc mạnh tay "mua cả châu Âu"?

Các nhà phân tích đã nhìn nhận và đánh giá những lý do đằng sau sự bùng phát đầu tư của Trung Quốc vào châu Âu, nơi cung cấp nhiều công nghệ tốt nhất thế giới.

Vì sao Trung Quốc mạnh tay "mua cả châu Âu"? - 1

Trung Quốc đang rất mạnh tay trong việc mua lại các công ty, tài sản ở châu Âu

Các công ty Trung Quốc đang ngày càng mua nhiều tài sản tại châu Âu, từ doanh nghiệp sản xuất, ngân hàng đến bất động sản. Điều này khiến nhiều người dân lo ngại: Liệu có phải Trung Quốc đang mua cả châu Âu? Loạt bài viết dưới đây sẽ phân tích kĩ hơn về xu hướng này cũng như giải thích những nguyên nhân đằng sau nó.

Trong những năm qua, châu Âu đã trở thành một đấu trường thuận lợi của Trung Quốc để đầu tư nước ngoài. Châu lục này không ngừng thu hút cả những doanh nghiệp nhà nước và tư nhân Trung Quốc, những người tìm kiếm cơ hội đầu tư bất chấp khó khăn, chướng ngại vật về lịch sử, địa lý, pháp lý, ngôn ngữ, xã hội và văn hóa.

Không giống như thương mại và du lịch, việc đầu tư đòi hỏi một cam kết lâu dài hơn, cần một môi trường ổn định và an toàn về mặt pháp lý. Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21, Trung Quốc đầu tư rất ít vào châu Âu, thế nhưng con số này từ năm 2010 cho thấy một sự đột biến đáng kể.

Theo một báo cáo được công bố bởi công ty luật Baker & McKenzie và Tập đoàn Rhodium (có trụ sở tại New York), tổng giá trị các khoản đầu tư của Trung Quốc ở châu Âu đã tăng vọt từ 6 tỷ USD năm 2010 lên 55 tỷ USD năm 2014.

Một trong những nhà đầu tư mạnh tay nhất của Trung Quốc tại châu Âu là Công ty Hóa chất Quốc gia Trung Quốc (ChemChina). Năm 2015, công ty này mua lại một trong những nhà sản xuất lốp xe nổi tiếng nhất thế giới, Italia Pirelli, với giá 7,7 tỷ USD. Sau đó, tháng 2 năm nay, ChemChina công bố chi 46,7 tỷ USD mua lại tập đoàn nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ, thương vụ lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc tại châu Âu.

Vì sao Trung Quốc mạnh tay "mua cả châu Âu"? - 2

ChemChina chi 46,7 tỷ USD mua lại tập đoàn nông nghiệp Syngenta của Thụy Sĩ, thương vụ lớn nhất từ trước tới nay của Trung Quốc tại châu Âu (Ảnh: Reuters)

Trong cuốn sách China's Offensive In Europe (tạm dịch Cuộc đổ bộ của Trung Quốc tại châu Âu) xuất bản năm 2016, hai đồng tác giả Philippe Le Corre và Alain Sepulchre đã giải thích 5 lý do tại sao châu Âu trở nên hấp dẫn như vậy với các nhà đầu tư Trung Quốc.

Thứ nhất, cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu trong năm 2008 là một thời điểm mấu chốt, khi chính phủ Trung Quốc bắt đầu mua trái phiếu Châu Âu cũng như đầu tư vào các công ty cơ sở hạ tầng với định giá cực kỳ cạnh tranh. Một trong những ví dụ điển hình là cảng Piraeus của Hy Lạp, nơi đang chịu hoàn toàn sự quản lý của công ty Cosco Holding của Trung Quốc. Cosco Holding đã mua lại 67% cổ phần từ các nhà chức trách cảng Hy Lạp.

Thứ hai, các quốc gia như Đức, Ý, Pháp và Vương quốc Anh là nơi có một loạt các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cung cấp những công nghệ tốt nhất trên thế giới. Đối với các công ty Trung Quốc hoạt động trong các lĩnh vực ô tô, thực phẩm, năng lượng, giao thông vận tải, thương hiệu cao cấp, giải trí và du lịch, việc mua lại các công ty trên của châu Âu là một cách thu thập bí quyết sản xuất và nhờ đó, xây dựng các doanh nghiệp đẳng cấp thế giới.

Vì sao Trung Quốc mạnh tay "mua cả châu Âu"? - 3

Năm 2015, ChemChina cũng đã mua lại một trong những nhà sản xuất lốp xe nổi tiếng nhất thế giới, Italia Pirelli, với giá 7,7 tỷ USD (Ảnh: Reuters)

Thứ ba, dường như quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu ít căng thẳng hơn rất nhiều so với mối quan hệ Mỹ-Trung Quốc. Khác với Mỹ, nơi có một Ủy ban đầu tư nước ngoài xem xét các vấn đề an ninh quốc gia trong các giao dịch, các quốc gia châu Âu không có cơ chế như vậy.

Thứ tư, các doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc được thúc đẩy bởi chính sách triển khai nguồn vốn ngoài biên giới của Bắc Kinh từ cuối những năm 1990. Với châu Phi hay châu Á, Trung Quốc chủ yếu nhằm mục tiêu là tài nguyên thiên nhiên. Với các nước châu Âu, Trung Quốc muốn mua thương hiệu, công nghệ và mở rộng tầm ảnh hưởng, với sự hỗ trợ tài chính khổng lồ từ các ngân hàng quốc doanh và thương mại của nước này.

Thứ năm, sự gia tăng của các giao dịch Trung Quốc cũng liên quan mật thiết đến quan hệ song phương giữa Trung Quốc với từng nước châu Âu. Các nước nhận Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất từ Trung Quốc là Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Ý và Bồ Đào Nha, tất cả đều có thiết lập riêng về mối quan hệ với Trung Quốc.

Vì sao Trung Quốc mạnh tay "mua cả châu Âu"? - 4

Một trong những lý do của sự đầu tư mạnh tay này là quan hệ giữa Trung Quốc và châu Âu ít căng thẳng hơn rất nhiều so với các mối quan hệ toàn cầu khác

Không nghi ngờ gì về việc chính phủ Trung Quốc rất giỏi trong việc “xúi giục” nước này cạnh tranh với nước khác để hưởng lợi, và họ sử dụng FDI như một công cụ để làm việc đó. Kết quả là, như chúng ta đã thấy nhiều lần, các nước châu Âu thi nhau giành lấy một phần trong thị trường tiêu dùng Trung Quốc, điều chắc hẳn rất có lợi cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy vậy, làn sóng đầu tư của Trung Quốc tại châu Âu cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Một trong số đó là sự phản ứng của người dân và các tổ chức xã hội về “sự đổ bộ” của Trung Quốc.

Ví dụ như, ở châu Âu cũng như một số nền kinh tế lớn khác, cuộc tranh luận đang ngày càng gia tăng giữa chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự. Họ liên tục bàn luận về những lợi ích lâu dài của việc chào đón đầu tư của Trung Quốc. Tại Đức và Ý, hai quốc gia nhận FDI hàng đầu từ Trung Quốc, người dân vẫn có nhiều suy nghĩ tiêu cực khi nghĩ đến hai từ “Trung Quốc”.

Tại Pháp, người dân vùng Bordeaux cũng đang lo lắng trước sự xuất hiện ồ ạt của giới giàu Trung Quốc, mạnh tay mua lại các vườn nho lâu đời ở đây. Liệu Trung Quốc có đang muốn thâu tóm ngành rượu vang Bordeaux, và đâu là những lý do đằng sau cơn khát rượu vang này. Mời độc giả đón đọc bài viết Nhà giàu Trung Quốc thâu tóm rượu vang Bordeaux, dân Pháp lo ngại xuất bản ngày...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN