Vì sao Su-25 Nga dễ dàng bị tên lửa vác vai bắn rơi ở Syria?
Các chuyên gia quân sự cho rằng chiến đấu cơ Su-25 Nga gửi đi Syria là phiên bản hiện đại nhất, được trang bị nhiều hệ thống phòng thủ tối tân.
Khoảnh khắc cường kích Su-25 trúng tên lửa ở Syria.
Bộ Quốc phòng Nga hôm 4.2 xác nhận một chiến đấu cơ Su-25 bị bắn rơi ở khu vực tỉnh Idlib, Syria. Đây là địa bàn hoạt động của nhóm phiến quân Jabhat Fatah al-Sham chống chính phủ Syria. Phi công nhảy dù thành công nhưng sau đó bị phiến quân hành quyết.
Một thời gian ngắn sau đó, Nga phóng loạt tên lửa hành trình với độ chính xác cao xóa sổ ít nhất 30 tay súng khủng bố Al-Nusra ở gần hiện trường máy bay rơi.
Chuyên gia Sivkov nhận định, radar của chiếc Su-25 có thể đã không nhận diện được tên lửa vác vai loại Stinger hoặc Igla vì phiến quân sử dụng đạn tên lửa dẫn đường độc lập.
Cường kích Su-25 chuyên dùng cho các nhiệm vụ tấn công mặt đất.
Tên lửa vác vai như Igla có tầm bắn khoảng 3km. Phi công lái Su-25 khi đó có thể đã bay ở độ cao thấp vì nghĩ rằng mình đang ở khu vực an toàn, ông Sivkov nhận định.
Hiện tại chủng loại Su-25 bị bắn hạ chưa được phía Nga công bố. Theo các chuyên gia quân sự, Nga đã đưa đến Syria phiên bản Su-25SM3 tối tân nhất từ năm 2016, trang bị hệ thống Vitebsk-2 hiện đại.
Igor Nasenkov, phó tổng giám đốc thứ nhất của Tập đoàn Công nghệ vô tuyến điện tử KRET nói Vitebsk được trang bị hệ thống gây nhiễu chủ động TsSAP, áp chế tín hiệu radar đối phương trong dải tần rộng. Tổ hợp còn có năng lực chống tên lửa lắp đầu đạn tự dẫn đường bằng hồng ngoại.
Có một khả năng khác là phi công Nga không lường trước khả năng phiến quân dùng tên lửa vác vai FN-6 của Trung Quốc. Những hình ảnh xuất hiện vài năm qua, cho thấy phiến quân chống chính phủ sở hữu nhiều tên lửa FN-6.
Một phiến quân chống chính phủ Syria cầm trên tay tên lửa vác vai FN-6.
FN-6 được xếp vào dạng tổ hợp tên lửa vác vai thế hệ 3, trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại kỹ thuật số hiện đại, vượt qua các biện pháp gây nhiễu bằng pháo sáng bằng cách phân biệt được nguồn nhiệt.
Tổ hợp FN-6 có trọng lượng chiến đấu 16 kg, đạn tên lửa trong ống phóng dài 1,49 mét, đường kính thân 72cm. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn cho tầm bắn 500 mét - 6km, tầm cao từ hoạt động từ 15 mét đến 3,5km.
Cuối cùng, chuyên gia Sivkov nói việc phiến quân hành quyết phi công Nga nhảy dù là hành động khủng bố.
“Những người đó bỏ qua mọi nguyên tắc cơ bản của trong giao tranh. Nga sẽ còn giáng nhiều đòn tấn công hơn nữa vào khu vực tỉnh Idlib để buộc khủng bố phải trả giá hàng trăm mạng sống cho cái chết của phi công Nga”, ông Konstantin Sivkov nhấn mạnh.
Trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn 2 năm qua ở Syria, Nga bị tổn thất 4 máy bay chiến đấu và nhiều trực thăng.
Phi công người Nga hét lớn rồi rút chốt lựu đạn khiến khói mù mịt một góc.