Vì sao ông Putin tái tranh cử tổng thống?
Ông chủ Điện Kremlin cảnh báo về những hậu quả "thảm khốc" nếu Mỹ dùng vũ lực chống lại Triều Tiên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14-12 có cuộc họp báo thường niên vào dịp cuối năm, với tâm điểm chú ý dành cho tình hình kinh tế, chính trị, chính sách đối ngoại của Moscow và quyết định tái tranh cử của chính ông chủ Điện Kremlin.
Cam kết cải thiện thu nhập
Không gì lạ khi câu hỏi đầu tiên, đến từ phóng viên đài phát thanh Govorit Moskva, tập trung vào lý do ông Putin tìm kiếm thêm nhiệm kỳ 6 năm vào tháng 3-2018. "Để cải thiện chất lượng cuộc sống người dân Nga" - nhà lãnh đạo này trả lời. Không bỏ qua cơ hội vận động tranh cử trước hơn 1.600 phóng viên, ông khẳng định những ưu tiên trong cuộc bầu cử sắp tới là "phát triển hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, công nghệ và tiêu chuẩn sống".
Ông Putin cho biết thêm sẽ ra ứng cử với tư cách ứng viên độc lập nhưng vẫn "dựa vào sự ủng hộ của những lực lượng chính trị có chung quan điểm về sự phát triển của đất nước". Khi được hỏi liệu ông có thấy chán khi tham gia cuộc bầu cử mà không có sự cạnh tranh nghiêm túc nào, nhà lãnh đạo Nga cho biết nhiệm vụ của ông không phải là phát triển một lực lượng chính trị đối lập dù nói thêm nước Nga cần một hệ thống chính trị cạnh tranh và cân bằng.
Ông cũng chỉ trích các nhà hoạt động chống đối chỉ biết lên án chính quyền mà không đưa ra chính sách thay thế thật sự nào cho người dân, theo trang Bloomberg. Theo một cuộc khảo sát được tổ chức thăm dò độc lập Levada công bố hôm 13-12, 75% người Nga cho biết sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Putin dù chưa biết gì về những cam kết tranh cử của ông.
Trong nỗ lực thu hút lá phiếu của cử tri để tiếp tục kéo dài thời gian nắm quyền lên 24 năm, ông Putin cũng cam kết cải thiện thu nhập của người dân khi trấn an họ rằng nền kinh tế đất nước đang hồi phục từ cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong 2 thập kỷ qua. Theo ông Putin, kinh tế Nga đã vượt qua được tác động kép của tình trạng giá dầu sụt giảm và các biện pháp trừng phạt của phương Tây khi dự kiến tăng trưởng 1,6% năm nay.
Để so sánh, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỉ lệ này là 1,8% năm nay và 1,6% năm 2018. Nhân dịp này, ông Putin cũng khoe có đến 94% những mục tiêu đề ra trong một loạt sắc lệnh được ban hành trong nhiệm kỳ này đã được hoàn thành, trong đó có việc tăng lương cho cán bộ, công viên chức.
Hơn 1.600 phóng viên dự cuộc họp báo cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14-12 Ảnh: REUTERS
Nga - Mỹ cần hợp tác
Về đối ngoại, mối quan hệ Nga - Mỹ là một trong những chủ đề được quan tâm hàng đầu. Ông chủ Điện Kremlin một lần nữa bác bỏ những cáo buộc Moscow can thiệp bầu cử Mỹ và cho rằng các đối thủ chính trị của Tổng thống Donald Trump đã phát tán chúng để làm tổn hại đến tính hợp pháp của nhà lãnh đạo này.
Ông Putin thừa nhận cảm thấy khó hiểu về tình trạng đấu đá trong nội bộ chính trường Mỹ, trong lúc nhận định những cáo buộc chiến dịch tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga không chỉ gây hại cho hệ thống chính trị của Washington mà còn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với những người bỏ phiếu cho ông Trump.
Một trở ngại khác đến mối quan hệ Nga - Mỹ chính là việc Washington đang cân nhắc rút khỏi những hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân quan trọng. Theo ông Putin, Moscow sẽ tuân thủ những văn kiện này, trong lúc bảo đảm an ninh đất nước mà không cần phải tham gia một cuộc chạy đua vũ trang nào. Chi tiêu quân sự của Nga sẽ đạt mức 46 tỉ USD năm tới, khá ít ỏi nếu so với ngân sách quốc phòng 700 tỉ USD của Mỹ.
Bất chấp những tranh cãi nói trên, nhà lãnh đạo Nga bày tỏ hy vọng quan hệ với Mỹ sẽ được hồi phục bởi hai nước cần hợp tác đối phó những thách thức toàn cầu, như tình hình Trung Đông và cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, Tổng thống Nga cảnh báo Mỹ không nên dùng vũ lực chống lại Triều Tiên bởi những hậu quả "thảm khốc" có thể xảy ra. Thay vào đó, theo ông Putin, hướng tiếp cận "thực tế" là đối thoại, như những gì Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nói đến mới đây.
Nói về quan hệ Nga - Trung Quốc, ông Putin khẳng định hai nước vẫn tiếp tục là đối tác chiến lược lâu dài bất chấp kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm tới. Nhà lãnh đạo này cho biết thêm Moscow sẽ ủng hộ Bắc Kinh tham gia nhiều hơn vào các dự án của Nga và nhận định rằng ai cũng hưởng lợi từ mối quan hệ song phương ngày càng mạnh mẽ này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin là một trong ba người nắm giữ va ly hạt nhân để có thể đưa ra quyết định quan trọng, dù...