Vì sao cả Mỹ và Triều Tiên đều ngại chiến tranh tổng lực?
Chiến tranh Triều Tiên cách đây 67 năm đã cướp đi sinh mạng của 60 vạn dân thường.
Dân Triều Tiên sau một trận càn.
Đã 6 tháng kể từ khi bán đảo Triều Tiên căng thẳng nhưng viễn cảnh về một cuộc chiến tổng lực sẽ khó xảy ra. Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rất rõ cái giá phải trả của một cuộc chiến tranh đúng nghĩa. Cách đây 67 năm, chiến tranh Triều Tiên đã cướp đi sinh mạng của quá nhiều người.
“Nếu sử dụng biện pháp quân sự, đó sẽ là thảm họa không thể đong đếm”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói. Chiến tranh Triều Tiên đã cướp đi mạng sống của 60 vạn dân Triều Tiên và 1 triệu dân Hàn Quốc. Hàng trăm ngàn lính cũng bỏ mạng vì cuộc nội chiến này.
Trái tim Seoul
Vùng chịu thiệt hại nếu chiến tranh Triều Tiên xảy ra.
Trong khi căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên có thể lên cao, có rất nhiều kịch bản được vẽ ra. Trong số này có tấn công hạt nhân hay pháo kích quy mô nhỏ.
“Mục đích cuối cùng là kiểm soát sự leo thang căng thẳng quá mức. Mức độ tấn công cần được xem xét để tránh tối đa mức độ hủy diệt”, Adam Mount, chuyên gia cao cấp ở Trung tâm tiến bộ nước Mỹ, nói.
Nguy hiểm lớn nhất hiện nay là thành phố đông dân như siêu đô thị Seoul với hơn 9,7 triệu dân hoặc Tokyo với hơn 38 triệu dân. Một quả bom hạt nhân ném vào khu vực này sẽ gây ra thảm họa về nhân mạng. Nếu sử dụng vũ khí truyền thống, số người thiệt mạng cũng có thể lên vài vạn.
Bom nổ trong chiến tranh Triều Tiên.
“Cuộc chiến với Triều Tiên sẽ diễn ra ở gần trung tâm Seoul và cái giá phải trả sẽ là rất đắt”, Ash Carter và William Perry, hai cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói.
“Hàng ngàn lính Mỹ và chục ngàn lính Hàn Quốc sẽ chết. Triệu người tị nạn sẽ đổ ra các cung đường cao tốc. Thiệt hại của Triều Tiên còn lớn hơn. Quy mô và mức độ hủy diệt của cuộc chiến lớn hơn gấp nhiều lần chiến tranh Triều Tiên cách đây 67 năm”, bài xã luận trên tờ National Interest viết.
Chuyên gia Roger Cavzos từ Viện Nautilus đánh giá trong một phút đầu tiên sẽ có 3.000 người thiệt mạng vì pháo kích và sau đó tăng lên 64.000 người trong ngày tiếp theo. Một cuộc nã pháo giữa hai bên sẽ khiến ít nhất 3 vạn dân thường thiệt mạng.
Đe dọa hạt nhân
Lính Mỹ bị thương trong chiến tranh.
Nếu chiến tranh tổng lực nổ ra, mối lo số một của Mỹ là dập tắt đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Không quân Mỹ có thể sử dụng 23 máy bay tấn công chiến lược F-22 – mỗi chiếc mang được 2 quả bom 450 kg – và 10 máy bay ném bom B-2 –dùng để phá hủy boongke – nhằm hủy diệt cơ sở hạt nhân của Triều Tiên, theo Stratfor.
Mỹ có thể dựa vào tên lửa hành trình Tomahawk để tấn công các mục tiêu, bắn từ biển cách xa hàng trăm cây số. Nếu đủ thời gian, Mỹ có thể cử 4 tàu ngầm tên lửa lớp Ohio vào vùng biển Triều Tiên. Khi kết hợp cùng tàu khu trục và tàu tuần dương của Hạm đội 7, Mỹ có thể bắn 600 tên lửa hành trình cùng lúc.
Lính Mỹ nhảy dù đổ bộ xuống Triều Tiên.
Vấn đề khó khăn với Mỹ là công tác tình báo. Rất khó để xác định chính xác các địa điểm cần tấn công ở Triều Tiên. Mỹ đã mất rất nhiều thời gian thu thập thông tin về Triều Tiên nhưng cựu giám đốc CIA Michael Hayden nhấn mạnh Triều Tiên là quốc gia khó thu thập tin tức nhất thế giới.
Nếu không có thông tin chi tiết, Mỹ sẽ khó hủy diệt kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên và Bình Nhưỡng có thể dội bom ngược vào đất Mỹ. “Trước khi ông Trump kết thúc nhiệm kỳ, Triều Tiên hoàn toàn đủ sức bắn tên lửa gắn được đầu đạn hạt nhân tới đất Mỹ”, Hayden nói.
Triều Tiên hoàn toàn đủ sức nã 4 triệu viên đạn trong nửa giờ đồng hồ vào thủ đô Seoul của Hàn Quốc.