Trung Quốc không thiếu nhiều nữ như chúng ta tưởng

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Các nhà nghiên cứu cho rằng hàng chục triệu trẻ em gái không được ghi nhận lúc sinh ra và phải sống "vô hình" ở Trung Quốc.

Trung Quốc không thiếu nhiều nữ như chúng ta tưởng - 1

Theo một nghiên cứu mới đây, sự chênh lệch trong tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc có thể đã bị thổi phồng

Theo các thông tin được công bố trước đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với nạn thừa trai thiếu gái do nhiều thập kỷ áp dụng chính sách một con, với số trẻ em trai nhiều hơn trẻ em gái tới 30 triệu em. Thế nhưng, theo một nghiên cứu mới đây, sự chênh lệch trong tỷ lệ giới tính ở Trung Quốc có thể đã bị thổi phồng, theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Nghiên cứu cho biết nhiều em gái ra đời đã bị đăng ký khai sinh muộn, hoặc thậm chí còn không được đăng kí.

John Kennedy, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Kansas của Mỹ và Shi Yaojiang, đến từ Đại học Thiểm Tây Trung Quốc, đã nghiên cứu dữ liệu sinh đẻ và phát hiện số ca khai sinh muộn và không khai báo chiếm phần lớn trong sự chênh lệch giới tính của Trung Quốc.

Trung Quốc không thiếu nhiều nữ như chúng ta tưởng - 2

Nghiên cứu cho biết nhiều em gái ra đời đã bị đăng ký khai sinh muộn, hoặc thậm chí còn không được đăng kí

Các nhà nghiên cứu so sánh số trẻ em sinh ra trong năm 1990 với số đàn ông, phụ nữ Trung Quốc 20 tuổi vào năm 2010. Họ phát hiện ra hai con số này chênh lệch tới 4 triệu người sau 20 năm.

"Nếu chúng tôi nghiên cứu trong vòng 25 năm, có thể có khoảng 25 triệu phụ nữ 20 tuổi trong thống kê mà không được liệt kê lúc mới sinh", Kennedy cho biết trong một tuyên bố trên trang web của Đại học Kansas.

Nghiên cứu bắt đầu vào năm 1996 khi các nhà khoa học phỏng vấn một người dân ở tỉnh Thiểm Tây. Người dân gọi một trong hai cô con gái của mình là "không tồn tại", có nghĩa là em không được chính thức đăng ký khai sinh và không tồn tại một cách hợp pháp. Những người không được đăng ký giấy khai sinh sẽ không được cấp "hộ khẩu", giấy tờ liên quan đến nhiều dịch vụ khác như như chăm sóc sức khỏe và giáo dục.

Trung Quốc không thiếu nhiều nữ như chúng ta tưởng - 3

Nhiều người không đăng ký khai sinh cho con vì sợ bị phạt theo chính sách một con

Trong báo cáo, Kennedy và Shi giải thích cho hiện tượng này theo khía cạnh chính trị. Theo đó, các quan chức chính quyền địa phương đã làm ngơ trước các trường hợp sinh thêm con để duy trì ổn định xã hội trong cộng đồng. Chính quyền địa phương sẽ không báo cáo những ca sinh con "ngoài kế hoạch", điều có thể ảnh hưởng đến số liệu thống kê dân số cả nước.

Liang Zhongtang, một nhà nghiên cứu tại Thượng Hải cho biết: "Sự mất cân bằng giới tính là có thật, nhưng không tồi tệ như những thống kê. Một số em gái không không được đăng ký khai sinh nhưng thực tế, các em có tồn tại. Sự mất cân bằng giới tính sẽ không quá nghiêm trọng khi các em gái này lớn lên”.

Trung Quốc không thiếu nhiều nữ như chúng ta tưởng - 4

"Sự mất cân bằng giới tính là có thật, nhưng không tồi tệ như những thống kê"

Trong suốt ba thập kỷ thực hiện chính sách một con, Trung Quốc chỉ cho phép người dân nông thôn có hai con nếu con đầu lòng là con gái. Phụ huynh nào vi phạm chính sách chặt chẽ này sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt khổng lồ và thậm chí có thể mất việc nếu làm việc cho chính phủ hoặc công ty nhà nước.

Chính sách một con đã được nới lỏng vào năm 2012 và dừng hoàn toàn vào năm ngoái. Từ đó trở đi, cặp vợ chồng Trung Quốc được phép có hai con khi nước này đối mặt với nền dân số già và thiếu hụt lao động dự kiến trong tương lai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN