Trump "chọc giận" để ép Trung Quốc chấp nhận đàm phán?

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump ngày 11.12 ra dấu hiệu sẽ tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh, bằng cách để ngỏ khả năng Mỹ từ bỏ lập trường Một Trung Quốc mà Washington duy trì lâu nay.

Trump "chọc giận" để ép Trung Quốc chấp nhận đàm phán? - 1

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

“Tôi hoàn toàn hiểu chính sách Một Trung Quốc nhưng tôi không hiểu tại sao chúng ta lại bị ràng buộc bởi chính sách đó, trừ khi nước Mỹ đang phải thương lượng với Bắc Kinh trong các vấn đề khác, như thương mại”, ông Trump nói trong chương trình Fox News Sunday ngày 11.12.

Đầu tháng này, ông Trump đã khơi mào căng thẳng Mỹ-Trung khi điện đàm trực tiếp với lãnh đạo Đài Loan, phá vỡ quy tắc ngoại giao trong gần 40 năm qua.

Ông Trump ngày 11.12 ra dấu hiệu sẽ “không ngần ngại” chọc giận Trung Quốc cho đến khi hai nước ngồi vào bàn đàm phán về thương mại và vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

“Tôi muốn nói là chúng ta đang bị tổn thương nghiêm trọng vì Trung Quốc phá giá tiền tệ. Bắc Kinh đánh thuế chúng ta nặng nề còn chúng ta thì không. Họ xây dựng công trình quy mô ở giữa Biển Đông và không giúp đỡ chúng ta trong vấn đề Triều Tiên”, ông Trump nói.

“Về vấn đề Triều Tiên, về việc sở hữu vũ khí hạt nhân, Trung Quốc có thể giải quyết một cách dễ dàng nhưng họ lại không làm điều đó”, tỷ phú Mỹ nói trên Fox News.

Những tuyên bố chỉ trích Trung Quốc của ông Trump trong chiến dịch tranh cử vốn đã thổi bùng lên tranh cãi. Tỷ phú Mỹ cáo buộc Bắc Kinh phá giá đồng Nhân dân tệ, kêu gọi áp đặt mức thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, chỉ trích các công ty Mỹ, bao gồm Boeing làm ăn với Trung Quốc.

Tuyên bố mới nhất của Donald Trump cho thấy Tổng thống Mỹ đắc cử muốn buộc Bắc Kinh đạt thỏa thuận mới với Washington. Nhưng hiện không rõ liệu ông Trump có muốn xóa bỏ chính sách Một Trung Quốc hay không.

Một Trung Quốc là chính sách khởi nguồn quan hệ Mỹ-Trung năm 1979, công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc, dù Washington vẫn bán vũ khí cho Đài Bắc.

"Tôi không muốn bị Trung Quốc chi phối và đó là một cuộc gọi đến. Tôi không chủ động gọi và cuộc gọi ngắn chỉ mang ý nghĩa chúc mừng", ông Trump phản biện về cuộc điện đàm với lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. “Tại sao một quốc gia nào đó lại có quyền bắt tôi không thể nhận điện thoại từ ai đó. Tôi nghĩ thật là thiếu tôn trọng nếu tôi không nhận cuộc gọi này".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - CNN ([Tên nguồn])
Donald Trump Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN