Triều Tiên "len lỏi" vào căn cứ Mỹ

Ông Kim Jong-un tuyên bố Triều Tiên đã trở thành một quốc gia chiến lược với khả năng tạo ra mối đe dọa hạt nhân đáng kể tới Mỹ.

Tờ rơi tuyên truyền của Triều Tiên đã len lỏi vào tận các căn cứ quân sự của Mỹ, khiến lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc (USFK) phải ban lệnh báo động về những mối đe dọa tiềm ẩn trong nội bộ.

Bất ngờ và khó hiểu

Theo trang tin quân sự Stars and Stripe (Mỹ), lực lượng Lục quân số 8 (EUSA) của Mỹ thông báo các tài liệu tuyên truyền của Triều Tiên được phát hiện tại doanh trại Yongsan hôm 21-12, ngay sau khi một binh sĩ Triều Tiên đào tẩu qua biên giới phía Bắc thủ đô Hàn Quốc. Trong lệnh báo động đăng tải cùng ngày lên trang Facebook của USFK, giới chức nói rằng một lượng lớn truyền đơn của Triều Tiên cùng các CD được đặt tại nhiều địa điểm chiến lược thuộc nhiều căn cứ quân sự Mỹ ở Hàn Quốc.

"Do một số người nước ngoài được tiếp cận những cơ sở quân sự của chúng ta thông qua các chương trình triển khai, bảo trợ và hợp tác nên các mối đe dọa từ bên trong luôn hiện hữu" - nội dung báo động nêu rõ - "Các nhân sự phải báo cáo (mọi sự tuyên truyền) và các cá nhân nghi ngờ cho quan chức có trách nhiệm để giúp giảm thiểu các đe dọa tiềm tàng".

Triều Tiên "len lỏi" vào căn cứ Mỹ - 1

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại lễ vinh danh các nhà khoa học và kỹ sư hạt nhân đóng góp lớn cho vụ thử bom nhiệt hạch hồi tháng 9-2017 Ảnh: REUTERS.

Lệnh báo động còn chỉ rõ các tài liệu tuyên truyền thường được dùng để làm đối thủ lung lay, những kẻ phát tán chúng muốn tìm cách phá hoại các chiến dịch cũng như sự sẵn sàng của binh sĩ. Bên cạnh đó, các binh sĩ Mỹ cũng được khuyến cáo không đăng tải các nội dung tuyên truyền lên mạng xã hội và lưu ý các CD lạ có thể chứa mã độc hoặc virus.

Đây là lần đầu tiên nổi lên thông tin về tài liệu tuyên truyền của Triều Tiên xâm nhập vào tận căn cứ quân sự của Mỹ, trong bối cảnh quốc gia bị cô lập nhất thế giới đang đối mặt những biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) ngày 22-12 (giờ New York) tiến hành bỏ phiếu một nghị quyết do Mỹ soạn thảo, trong đó có biện pháp hạn chế nghiêm ngặt các nguồn cung dầu mỏ của Triều Tiên, hồi hương toàn bộ lao động nước ngoài trong vòng 12 tháng và trừng phạt thẳng tay hoạt động hàng hải của nước này.

Cứng rắn

Theo hãng thông tấn AP, các biện pháp trừng phạt trong dự thảo nghị quyết lưu hành ở 15 thành viên HĐBA trước cuộc họp cho thấy đó không phải là những đòn trừng phạt mạnh chưa từng thấy mà chính quyền Tổng thống Donald Trump từng hứa hẹn. Dù vậy, nghị quyết cũng kêu gọi hạn chế tới 90% nguồn cung xăng dầu cho Bình Nhưỡng - vốn là chìa khóa của nền kinh tế nước này. Theo đó, nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế của nước này, bao gồm diesel và dầu hỏa, bị yêu cầu hạn chế ở mức 500.000 thùng/năm, nhập khẩu dầu thô cũng bị áp trần 4 triệu thùng/năm.

Các biện pháp trừng phạt mới còn mở rộng danh sách cấm các mặt hàng xuất khẩu của Triều Tiên, gồm thực phẩm, máy móc, thiết bị điện tử, sản phẩm dệt may, các loại đất, đá, gỗ và tàu thuyền; cấm xuất khẩu thiết bị công nghiệp, máy móc, phương tiện vận tải và kim loại công nghiệp cho Triều Tiên. Tổng cộng 19 quan chức Triều Tiên, hầu hết làm việc trong ngành ngân hàng, sẽ bị bổ sung vào danh sách đen của LHQ.

Bên cạnh đó, dự thảo trừng phạt mới vốn được đề xuất để đáp trả cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo liên lục địa ngày 28-11 của Bình Nhưỡng còn cấm tất cả công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài. "Đội quân" được cho là đang mang một lượng ngoại tệ đáng kể về cho Bình Nhưỡng này - theo ước tính của Mỹ vào khoảng 90.000 người - sẽ phải về nước trong vòng 12 tháng, khiến Triều Tiên thiệt hại khoảng 500 triệu USD/năm.

Theo Bloomberg, trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, một quan chức ngoại giao của LHQ tiết lộ Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, đồng thời là một trong 5 thành viên nắm giữ phiếu phủ quyết tại HĐBA - nói sẽ ủng hộ nghị quyết nhằm vào Triều Tiên.

Reuters cho hay Mỹ đã thương lượng với Trung Quốc về vấn đề này từ tuần trước và kêu gọi Bắc Kinh hạn chế cung cấp xăng dầu cho Bình Nhưỡng. Thông thường những dự thảo về vấn đề Triều Tiên sẽ không được gửi đến tất cả các thành viên HĐBA trước khi Bắc Kinh và Washington đồng thuận.

Bất chấp sức ép ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm 21-12 tuyên bố nước này đã trở thành một quốc gia chiến lược với khả năng tạo ra mối đe dọa hạt nhân đáng kể tới Mỹ. Theo Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên, ông Kim Jong-un cũng bày tỏ niềm tự hào về điều mà ông này gọi là sự phát triển nhanh chóng của năng lực hạt nhân của đất nước.

LHQ áp cấm vận dầu mỏ khắc nghiệt nhất với Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc ngày 22.12 thông qua các lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhất, nhằm hạn chế nguồn cung cấp...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Quyên ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN