Trai nông thôn TQ không thể “mua vợ” vì giá quá đắt
Không có đủ 600 triệu để trả cho nhà cô dâu, nhiều đàn ông Trung Quốc đành phải tiếp tục ở vậy.
Lấy vợ ở nông thôn Trung Quốc dường như không phải chuyện đơn giản
Tại nông thôn Trung Quốc, nhiều người đàn ông đang rất muốn lấy vợ nhưng không thể trả phí để “mua” họ.
Theo Shanghaiist, trong những thập kỷ qua, gia đình chú rể thường phải mang TV, máy giặt và tủ lạnh đến nhà cô dâu để xin cưới. Nhưng ngày nay, gia đình cô dâu “làm khó” hơn ngày xưa rất nhiều.
Tại nhiều nơi như Hà Bắc, Sơn Tây, Nội Mông, Tân Cương và Cam Túc, Trung Quốc, giá trung bình cho một cô dâu là 200.000 nhân dân tệ (hơn 660 triệu đồng), theo một cuộc điều tra của tờ Nhân dân Nhật báo.
Theo đó, giá “mua cô dâu” đã tăng gấp 3 lần trong những năm gần đây. Số tiền này thậm chí còn chưa tính đến ô tô, căn hộ và đồ trang sức đính kèm trong giao dịch.
Tại nhiều nơi ở Trung Quốc, giá trung bình cho một cô dâu là 200.000 nhân dân tệ (hơn 660 triệu đồng)
"Tại những nơi càng nghèo, giá cô dâu càng cao", theo tờ báo. Nhân dân Nhật báo cũng gọi đây là một xu hướng không may, tạo ra "các ngôi làng thừa đàn ông” ở nông thôn Trung Quốc. Tại đây, rất đông đàn ông phải tranh giành để cưới số ít ỏi phụ nữ trong làng.
Theo Kankanews, một người đàn ông 24 tuổi sống ở vùng nông thôn Cam Túc cho biết anh đã tìm vợ trong suốt 7 năm qua.
Cuối cùng, khi tìm được một người phù hợp, gia đình của cô dâu yêu cầu 180.000 nhân dân tệ (khoảng 595 triệu đồng). Vì anh chỉ có 120.000 nhân dân tệ (gần 400 triệu đồng), đám cưới đã bị hủy bỏ.
Nhân dân Nhật báo gọi đây là một xu hướng không may, tạo ra "các ngôi làng thừa đàn ông” ở nông thôn Trung Quốc.
Theo số liệu mới nhất, con số chêch lệch giữa đàn ông và phụ nữ Trung Quốc là hơn 33,59 triệu người. Đây được cho là hậu quả của việc phá thai theo giới tính và sự thắt chặt chính sách 1 con trong quá khứ.
Để giúp lấp đầy khoảng cách về giới tính, nạn buôn người đã bùng nổ khi các cô dâu nước ngoài bị bắt cóc và bán sang nông thôn Trung Quốc.
Trong khi đó, một số giải pháp đã được đưa ra nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng này. Năm 2015, một giáo sư Đại học Chiết Giang đề xuất rằng những người đàn ông có thu nhập thấp nên bắt đầu chia sẻ vợ nếu không đủ tài chính “mua” một người phụ nữ cho riêng mình.