Tên lửa Triều Tiên có thể khiến lá chắn THAAD Mỹ vô dụng
Triều Tiên dường như đã phát triển tên lửa đạn đạo với mục đích vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ ở Hàn Quốc.
Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ.
Cơ quan nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) cho biết Triều Tiên có thể đã chế tạo các tên lửa đạn đạo liên lục địa có khả năng chuyển hướng, khiến hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ không thể đánh chặn. Khi các tên lửa này bay vào không gian rồi quay lại bầu khí quyển Trái đất, đầu đạn hạt nhân có thể bay xuống với góc thẳng đứng và lợi dụng lực hút của Trái đất để di chuyển với vận tốc cao hơn.
“Sáng tạo của Triều Tiên có thể khiến mối đe dọa tên lửa này khó bị đánh chặn hơn bởi một hệ thống phòng thủ tên lửa”, CRS cảnh báo. “Ngoài ra, Bình Nhưỡng cũng có khả năng phóng hàng loạt tên lửa mà không gián đoạn về thời gian. Đây sẽ là một thách thức khác với hệ thống tên lửa THAAD”.
Triều Tiên cũng thử nghiệm hàng loạt tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm trong vòng ít nhất 2 năm qua. Những tên lửa này nằm ngoài khả năng phát hiện từ radar của hệ thống tên lửa THAAD.
Trong khi một số chuyên gia nghi ngờ các vụ thử tên lửa của Triều Tiên bị cường điệu quá mức, CRS cảnh báo các vụ thử này có thể thực chất nhằm mục đích tăng khả năng tin cậy, hiệu quả và sống sót của lực lượng tên lửa.
Vụ phóng tên lửa thất bại của Triều Tiên vào cuối tuần trước là một ví dụ. Các chuyên gia quân sự Hàn Quốc cho rằng vụ thử tên lửa này nằm trong một chương trình phát triển vũ khí hạt nhân mới của Bình Nhưỡng.
Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ ước tính Triều Tiên sở hữu 1 đến 2 vũ khí hạt nhân trước năm 2000, nhưng chuyên gia vật lý hạt nhân David Albright nhận định Bình Nhưỡng hiện tại có khoảng 30 vũ khí hạt nhân và con số này có thể tăng lên 60 vào năm 2020.
Tên lửa Triều Tiên nổ tung trên không đã đạt đến độ cao cần thiết để Bình Nhưỡng kích hoạt một loại siêu vũ khí...