Sự thật đằng sau "hành tinh giống hệt Trái đất"

Những hành tinh giống Trái đất liên tục xuất hiện trên mặt báo trong thời gian gần đây, nhưng liệu điều này có chính xác về mặt khoa học?

Sự thật đằng sau "hành tinh giống hệt Trái đất" - 1

Hành tinh Proxima Centauri b được gọi là "Trái đất thứ hai"

Tuần trước, các nhà thiên văn học công bố họ vừa phát hiện một "Trái Đất thứ hai" cách không xa ngôi nhà xanh của chúng ta, tuy nhiên điều này không hẳn là sự thật, theo báo Mỹ Business Insider.

Giống như nhiều hành tinh ngoài hệ mặt trời trước đó (Kepler-452b và Gliese 667 Cc) hành tinh mới mang tên Proxima Centauri b được mô tả trên báo chí như một hành tinh “giống Trái đất”.

Nhưng thực tế, chúng ta có rất ít thông tin về bầu khí quyển và sự sống trên hành tinh này. Hơn nữa, hầu hết những gì chúng ta biết về hành tinh này dường như mâu thuẫn với cụm từ "Trái đất thứ hai" và "Trái đất 2.0", những tên gọi nếu bị lạm dụng, có thể khiến công chúng hiểu sai hoàn toàn.

Proxima b chắc chắn là một địa điểm tốt để tìm kiếm sự sống. Nó cách chúng ta chỉ một hệ ngôi sao (tương tự hệ Mặt Trời). Quỹ đạo của nó nằm trong vùng có thể sinh tồn được quanh ngôi sao Proxima Centauri. Thậm chí, hành tinh mới được phát hiện này còn có kích thước gần giống Trái đất, chỉ lớn hơn 30 %, các nhà nghiên cứu ước tính.

Sự thật đằng sau "hành tinh giống hệt Trái đất" - 2

Tuy có kích thước giống với Trái đất, Proxima b vẫn có rất nhiều điểm khác biệt hành tinh xanh

Thế nhưng, xét trên nhiều khía cạnh khác, hành tinh được gọi là “Trái đất thứ hai" này rất khác hành tinh xanh. Trái đất mất khoảng 365,25 ngày để xoay quanh Mặt Trời. Con số này của Proxima b ngắn hơn rất nhiều. Nó chỉ mất 11,2 ngày để xoay quanh Proxima Centauri.

Đó là vì Proxima b ở rất gần ngôi sao trung tâm của nó. Nếu Proxima Centauri nóng như Mặt Trời của chúng ta, Proxima b sẽ bị đốt cháy. May mắn thay, Proxima Centauri, ngôi sao với nhiều nghi vấn, lại là một hành tinh khá mát mẻ.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều câu hỏi về sự sống trên Proxima b. Sử dụng dữ liệu từ Đài thiên văn Nam Âu, các nhà nghiên cứu phát hiện Proxima b có khả năng duy trì sự sống. Điều đó có nghĩa là hành tinh này không quá nóng cũng như không quá lạnh để chứa nước ở dạng lỏng trên bề mặt của nó, và thậm chí còn có một bề mặt đá. Nhưng điều này chưa được xác nhận.

Các nhà thiên văn đưa ra giả thuyết rằng Proxima b có thể bị khóa thủy triều. Khóa thủy triều hay còn được gọi là khóa trọng lực xảy ra khi trọng lực hay lực thủy triều làm cho một bán cầu của một hành tinh đang quay luôn hướng về phía vì sao trung tâm, giống như Mặt Trăng quay quanh Trái đất. Như vậy, một mặt của Proxima b có thể không bao giờ quay về phía ngôi sao trung tâm. “Mặt tối" sẽ đóng băng, trong khi "mặt sáng" sẽ bị bức xạ mặt trời tấn công.

Sự thật đằng sau "hành tinh giống hệt Trái đất" - 3

Ảnh so sánh Trái đất và Proxima b của Phòng thí nghiệm sự sống trên các hành tinh (PHL)

Tuy nhiên, khí quyển và đại dương (nếu tồn tại) trên Proxima b có thể sẽ tái phân phối nguồn năng lượng đó, theo lý thuyết. Nhưng ngay cả khi hành tinh này có một bầu khí quyển, nó có lẽ đã bị bức xạ tàn phá, tạo nên một điều kiện khắc nghiệt trên bề mặt hành tinh.

Nói cách khác, kể cả khi Proxima b có thể sinh sống được, thì nó cũng không hề giống Trái đất.

Các tên gọi không chính xác có thể khiến người dân nhầm lẫn. Với những người bình thường, "Trái đất 2.0" có thể gợi ý một hành tinh chứa cỏ xanh hay đại dương sâu thẳm. Và việc lạm dụng những từ ngữ như vậy có thể khiến độc giả chán nản, không còn hứng thú với những gì các nhà thiên văn học hay giới truyền thông công bố.

Tuy nhiên, ngày chúng ta tìm thấy một Trái đất 2.0 “xịn” có thể sẽ không còn xa. Một loạt kính viễn vọng mới đang được xây dựng trên mọi ngóc ngách của thế giới. Những đài thiên văn này sẽ có khả năng quan sát vũ trụ rõ ràng hơn rất nhiều. Nhiều kính viễn vọng trong số đó như Kính viễn vọng không gian James Webb của NASA, sẽ tìm kiếm những dấu hiệu của sự sống như khí oxy. Và khi những công nghệ này hoàn thành, Proxima b sẽ là một nơi tuyệt vời để bắt đầu nghiên cứu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trà My - BI ([Tên nguồn])
Khám phá vũ trụ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN