Số người bỏ quốc tịch Mỹ tăng cao kỷ lục
Theo số liệu thống kê chính thức, tỷ lệ công dân Mỹ từ bỏ quốc tịch trong năm 2016 tăng cao đột biến, đạt mức kỷ lục mới, chủ yếu do liên quan đến vấn đề thuế.
Hộ chiếu Mỹ.
Theo Telegraph, số liệu đăng ký Liên bang Mỹ (UFR) cho thấy, 5.411 người từ bỏ quốc tịch Mỹ năm 2016, tăng 26% so với năm 2015.
Nguyên nhân chính là do các quy định liên quan đến thuế. Người Mỹ dù sống ở nước ngoài vẫn phải có trách nhiệm đóng thuế. Tuy vậy, hầu hết trường hợp họ không phải nộp vì có thể bù vào khoản trả cho người thu ở nước sở tại.
Những người có thu nhập cao hơn phải nộp cho Sở thuế vụ Mỹ, kể cả sau khi họ đã trả thuế thực cho chính phủ nơi họ đang sinh sống. Hơn nữa, họ cũng phải nộp bản khai thu nhập mỗi năm, bất kể khoản tiền nào kiếm được.
Ngoại trưởng Anh Boris Johnson mới từ bỏ quốc tịch Mỹ.
Người Mỹ sống ở nước ngoài cũng phải đóng thuế cho bất kỳ khoản tiền lãi nào họ có được nhờ bán nhà, ngay cả khi họ không có ý định tiếp tục sống ở Mỹ.
Những dự luật thông qua năm 2010 càng khiến cho cuộc sống của người mang quốc tịch Mỹ ở nước ngoài trở nên khó khăn hơn.
Đa số những người từ bỏ quyền công dân Mỹ là người “có quốc tịch trong trường hợp ngẫu nhiên”. Họ trở thành người Mỹ khi được sinh ra trên đất Mỹ, ngay cả khi sống cả đời ở nước khác.
Trong danh sách từ bỏ quốc tịch Mỹ năm ngoái, đáng chú ý có tên của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson. Ông Johnson sinh ra ở New York.