Sau lời đe chiến tranh, TQ bất ngờ dịu giọng với Ấn Độ

Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ hiện đang có chuyến thăm đến Bắc Kinh và truyền thông nhà nước Trung Quốc bất ngờ phát đi thông điệp “hòa giải”.

Sau lời đe chiến tranh, TQ bất ngờ dịu giọng với Ấn Độ - 1

Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc canh gác ở khu vực biên giới.

Theo Times of India, cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval dự kiến sẽ tiếp xúc với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng các lãnh đạo khác ở Bắc Kinh trong ngày 28.7.

Đây được coi là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa quan chức Ấn Độ và Trung Quốc kể từ khi căng thẳng trên cao nguyên Doklam nổ ra hồi tháng trước

Trước cuộc gặp của cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ với ông Tập, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đã phát đi thông điệp “hòa giải”. Bài xã luận đăng tải trên Tân Hoa Xã kêu gọi hai nước cần phải tăng cường tin tưởng lẫn nhau vì Trung Quốc và Ấn Độ không phải “kẻ thù truyền thống”.

Đây là lần đầu tiên một kênh truyền thông chính thức của Trung Quốc đăng tải bài xã luận mà không đe dọa chiến tranh hay yêu cầu Ấn Độ rút quân khỏi khu vực tranh chấp Doklam.

Theo Times of India, thông điệp của Tân Hoa Xã chính là tín hiệu hiếm hoi từ ban lãnh đạo Trung Quốc rằng, hai nước cần tránh mọi khả năng bùng phát xung đột vũ trang.

“Vấn đề xảy ra ở biên giới thời gian qua giữa hai nước là do sự thiếu tin tưởng lẫn nhau”, Tân Hoa Xã viết. “Các vấn đề như nạn tham nhũng, chất lượng giáo dục còn thấp hay chăm sóc y tế mới là điều Ấn Độ nên quan tâm, chứ không phải Trung Quốc”.

Sau lời đe chiến tranh, TQ bất ngờ dịu giọng với Ấn Độ - 2

Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval từng gặp ông Tập năm 2015.

“Trung Quốc mong muốn những điều tốt nhất với người dân Ấn Độ và rất chờ đợi một Ấn Độ mạnh mẽ sát cánh cùng Trung Quốc”, bài xã luận trên Tân Hoa Xã viết.

Trước đó hai ngày, tờ Thời báo Hoàn Cầu còn lớn tiếng tuyên bố: “Chuyến thăm của ông Doval sẽ không lay chuyển được Trung Quốc trong tranh chấp biên giới". Hoàn Cầu thẳng thừng gọi cố vấn an ninh quốc gia Ấn Độ "là một trong những kẻ chủ mưu đằng sau căng thẳng biên giới".

Chuyên gia an ninh Ấn Độ Brahma Chellaney nhận định, Trung Quốc có thể đưa ra thông tin trái chiều, đánh lạc hướng đối phương để gây sức ép tâm lý chế ngự Ấn Độ mà không cần đổ máu.

Tuy vậy, Times of India đánh giá đây là tín hiệu có thể giúp Trung Quốc và Ấn Độ đạt được nhận thức chung về một giải pháp giữ thể diện quốc gia cho cả hai bên, trước thời điểm Quân giải phóng nhân dân (PLA) tổ chức lễ kỷ niệm 90 năm thành lập (1.8).

80.000 quân TQ từng tràn qua biên giới, đánh sâu vào Ấn Độ

Mâu thuẫn biên giới lên tới đỉnh điểm khi 80.000 quân Trung Quốc tràn vào Ấn Độ, mở đầu chiến tranh biên giới Trung-Ấn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Times of India ([Tên nguồn])
Tin tức Ấn Độ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN