Samurai da đen kỳ lạ nhất lịch sử Nhật Bản
Là biểu tượng của Nhật Bản, đa số samurai đương nhiên là người Nhật, nhưng cũng có vài trường hợp ngoại lệ.
Tranh cổ vẽ nhóm người Bồ Đào Nha, mô tả một nô lệ da đen che lọng cho chủ
Ở phương Tây, nổi tiếng nhất là thủy thủ William Adams (1564-1620) tới Nhật năm 1600 và được công nhận là một chiến binh samurai. Tuy nhiên, Yasuke, một người châu Phi được chính lãnh chúa Oda Nobunaga phong chức thì đặc biệt hơn nhiều.
Yasuke tới Nhật năm 1579 theo đoàn truyền giáo của linh mục Ý Alessandro Valignano, nhanh chóng thu hút sự chú ý của giới quý tộc và thăng tiến nhanh chóng. Không rõ xuất thân thực sự của ông ở đâu, chỉ biết ông sinh trong khoảng 1555-1556.
Vài tài liệu chưa xác thực về lịch sử cho rằng Yasuke tên thật là Makua từ Mozambique, nhưng cũng có nơi cho rằng ông sinh ở Angola hoặc Ethiopia, hay thậm chí là một nô lệ từ Bồ Đào Nha.
Nhưng dù sự thật ra sao, thì một người ngoại quốc với nước da kỳ lạ xuất hiện thường xuyên tại các nhà thờ nhanh chóng được người bản xứ chú ý, thậm chí cả lãnh chúa Nobunaga, người đã góp phần rất lớn trong việc thống nhất Nhật Bản, chấm dứt hơn một thế kỷ loạn lạc.
Hình ảnh phác họa lại Yasuke với các đặc điểm trên khuôn mặt giống với người da màu
Nobunaga tỏ ra thích thú với Yasuke, yêu cầu cởi áo ngoài và dùng tay chà xát để xem đó có phải là mực hay không. Ấn tượng cả bởi chiều cao (1m82) trong thời kỳ mà chiều cao trung bình của nam giới Nhật chỉ ở khoảng 1m50, lãnh chúa đã tuyển mộ ông vào làm vệ sĩ, thậm chí còn cho ngồi chung bàn ăn và giữ bảo kiếm.
Đây là ân huệ hiếm hoi kể cả với các samurai cấp bậc cao. Trong thời gian này, Yasuke cũng học nói tiếng Nhật thành thạo.
Tuy nhiên, những ngày tháng yên bình không kéo dài lâu. Năm 1592, viên tướng dưới quyền Nobunaga là Mitsuhide âm thầm lên kế hoạch nổi loạn, tấn công vào ngôi đền lãnh chúa đang ngự ở Kyoto.
Sau khi Nobunaga nhận thất bại và mổ bụng tự sát trong biển lửa, Yasuke về lâu đài Azuchi phụng sự con trai lãnh chúa là Nobutada, nhưng anh này cũng chịu chung số phận với cha sau khi bị Mitsuhide đánh bại.
Một bộ giáp samurai
Lãnh chúa mới không hứng thú gì với Yasuke, coi ông là "quái vật" và không phải samurai đích thực. Lý do là vì sau cái chết của chủ, Yasuke hành động theo phong tục phương Tây là trao kiếm lại cho Mitsuhide thay vì mổ bụng tự sát như truyền thống Nhật Bản.
Chấm dứt nhiệm vụ, Yasuke quay về với giáo đoàn của Valignano. Các giáo dân vui mừng khi thấy anh trở lại, kể từ đó không có tin gì về tung tích samurai đặc biệt này.
Một trường hợp khác trong sử sách có liên quan tới người da màu, đó là một chiến binh tên Sakanouye No Tamuramaro, sống ở thời Bình An (794-1185), gác cung vua Kammu trong khoảng thời gian 781-806. Theo đó, người này được phong chỉ huy quân chống lại người Ainu và được mô tả là có "nước da tối màu".
Tranh vẽ Sakanoue Tamuramaro
Từ trước tới giờ, giới lịch sử đều thống nhất rằng cách đây vài trăm năm, Nhật Bản theo chính sách "bế quan tỏa cảng", vì coi trọng sự "thuần khiết" trong dòng máu và kỳ thị tất cả những gì có yếu tố ngoại lai.
Tuy nhiên, câu chuyện về Yasuke lại chứng minh điều ngược lại. Trong tương lai, có thể sẽ xuất hiện thêm nhiều bằng chứng cho thấy quan hệ giữa quốc đảo này với phương Tây phức tạp hơn nhiều, chứ không hề biệt lập hoàn toàn với thế giới.