Quốc gia duy nhất hưởng lợi trong tranh chấp Trung-Ấn?
Trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung-Ấn bước sang tháng thứ 3, nhà quan sát chính trị Nga Dmitri Kosyrev mới đây đã đưa ra nhận định về lợi ích và tổn hại của các bên.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Theo Sputnik, căng thẳng giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới ở cao nguyên Doklam đã bước sang tháng thứ ba.
Mới đây nhất, một quan chức Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã đưa ra lời cảnh báo Ấn Độ rút quân hoặc “đối mặt với chiến tranh”.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận “các hành động bành trướng, gây hấn” và không tha thứ cho bất kỳ nỗ lực nào “chia tách lãnh thổ”.
Ngược lại, Ấn Độ khẳng định quan điểm không lùi bước, sẵn sàng chiến tranh trên nhiều mặt trận. Báo Ấn Độ ngày 2.8 khẳng định binh sĩ nước này không hề rút khỏi khu vực tranh chấp như Trung Quốc nói.
Bình luận về vấn đề này, nhà quan sát chính trị Nga Dmitri Kosyrev cho rằng, chỉ có một cường quốc hưởng lợi từ tranh chấp Trung-Ấn.
“Xung đột Trung-Ấn là giấc mơ vàng trong chính sách đối ngoại của Mỹ, dù là ‘chiến tranh nóng’ hay chiến tranh tâm lý”, ông Kosyrev nói.
Đối với Ấn Độ, ông Kosyerv nhắc đến chiến lược bảo vệ lợi ích ở Bhutan và uy tín của New Delhi ở Nam Á. Ngược lại, Trung Quốc phải hành xử cứng rắn cho “đúng với vị thế cường quốc hàng đầu thế giới”.
“Nếu chiến tranh bỗng nhiên nổ ra trên cao nguyên Doklam, khu vực băng giá hoang vu thì Mỹ mới là nước hưởng lợi nhất”, ông Kosyerv nói. “Nhờ có căng thẳng này mà Ấn Độ đã gấp rút tập trận với Mỹ-Nhật ở Vịnh Bengal. Mỹ sau đó thu về gần 2,5 tỷ USD tiền bán vũ khí cho Ấn Độ”.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc canh gác ở biên giới.
Mặt khác, Trung Quốc tập trung vào tranh chấp biên giới Trung-Ấn sẽ là cơ hội để Mỹ tung ra chính sách quyết đoán hơn để buộc Bắc Kinh thỏa hiệp về vấn đề ở Biển Đông hay hạt nhân Triều Tiên.
Mới đây nhất, Mỹ một lần nữa thúc ép Trung Quốc phải sớm quyết định tăng cường trừng phạt Triều Tiên, trong khi Bắc Kinh đang tỏ ra lưỡng lự. Khả năng Mỹ dùng quân bài Ấn Độ để đạt được mục đích kiềm chế Triều Tiên thông qua Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tác giả Kosyrev nhấn mạnh rằng, thay vì đối đầu để Mỹ “ngư ông đắc lợi”, hai nước láng giềng Ấn Độ và Trung Quốc nên cùng nhau đóng góp một cách có trách nhiệm vào quy tắc trong trật tự thế giới.
“Đó là chưa kể đến kim ngạch thương mại thường niên lên tới 70 tỷ USD giữa hai nước”, ông Kosyrev nói. “Ở thời điểm hiện tại, Ấn Độ và Trung Quốc nên chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 9”.
Hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 3-5.9 tới tại thành phố hạ Môn, Trung Quốc, với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
“Tôi tin rằng Ấn Độ và Trung Quốc sẽ không mạo hiểm gây chiến, bởi họ đều nhận ra mình sẽ là kẻ thua cuộc còn Mỹ đứng ngoài hưởng lợi”, ông Kosyrev nói, ám chỉ Ấn Độ đã bắt đầu ra nhận ra chính sách "ngư ông đắc lợi" của Mỹ.
Tướng tá Ấn Độ nói về khả năng TQ tiến vào New Delhi trong 48