Phóng xạ hiếm tăng đột biến ở tây bắc Trung Quốc, Triều Tiên là thủ phạm?
Một số nhà khoa học Trung Quốc cho rằng việc nồng độ phóng xạ hiếm iodine-129 tăng cao bất thường tại thành phố Tây An không phải do vụ thử bom H của Triều Tiên mà là từ các nhà máy tái chế hạt nhân tại Tây Âu.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), nồng độ phóng xạ iodine-129 tại thành phố Tây An thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc đã tăng cao bất thường trong 2 ngày sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 liên quan tới bom nhiệt hạch (bom H) hồi tháng Chín. Điều đáng nói, thành phố Tây An nằm cách bãi thử hạt nhân Punggye-ri của Triều Tiên khoảng 2.000 km.
Trung Quốc đặc biệt lo ngại về khả năng rò rỉ phóng xạ từ bãi thử Punggye-ri của Triều Tiên.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học Trung Quốc, vụ thử bom H có sức nổ 100 kiloton tại bãi thử Punggye-ri vào ngày 3/9 không phải là nguyên nhân khiến nồng độ phóng xạ iodine-129 tại thành phố Tây An lên cao bất thường mà nguyên nhân là từ châu Âu.
Cụ thể, theo dữ liệu được Viện Môi trường Trái đất thuộc Viện Khoa học Trung Quốc đặt tại thành phố Tây An công bố, trong khoảng thời gian từ ngày 3 – 11/9, nồng độ iodine-129 đã tăng ít nhất là 4,5 lần so với mức trung bình.
Điều đáng nói, iodine-129 hiếm khi xuất hiện trong tự nhiên. Iodine-129 xuất hiện chủ yếu sau các vụ nổ hạt nhân do con người tạo ra và thường được các trung tâm khoa học trên khắp thế giới theo dõi để làm bằng chứng phát hiện các vụ thử vũ khí hạt nhân hoặc tai nạn hạt nhân.
Tuy nhiên, trong hai ngày 5 – 6/9, nồng độ iodine-129 ở Tây An đã tăng gấp 9 lần so với trước thời điểm Triều Tiên thử bom H tại bãi thử Punggye-ri.
Bà Zhang Luyuan, nhà vật lý tại Viện Môi trường Trái đất Trung Quốc chia sẻ, “đây là lần đầu tiên nồng độ iodine-129 cao bất thường được ghi nhận bên ngoài lãnh thổ Triều Tiên”.
Trước đó, bà Zhang và các đồng nghiệp đã tiến hành thu thập dữ liệu từ các thiết bị đặt dọc biên giới Trung – Triều sau khi chính quyền Bắc Kinh lo ngại khả năng bãi thử Punggye-ri có thể bị sập và làm tăng nguy cơ phát tán phóng xạ.
Trong khi một số trạm đo đã ghi nhận tình trạng các chất phóng xạ gia tăng nồng độ nhưng chưa từng phát hiện ra iodine-129.
Theo bà Zhang, khả năng các hạt phóng xạ iodine-129 đã xuất hiện tại Tây An nhưng đã bị gió cuốn về phía đông nên các máy đo không thể phát hiện được.
Điều đặc biệt, nhóm nhà nghiên cứu của bà Zhang cho rằng, nguyên nhân làm xuất hiện phóng xạ iodine-129 tại Tây An xuất phát từ Tây Âu. Bởi đây là khu vực có hai nhà máy tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng quy mô lớn nhất thế giới và được đặt tại Anh và Pháp. Theo đó, kể từ thập niên 60, hai nhà máy này đã là phát tán hơn 6 tấn iodine-129 ra ngoài môi trường. Con số này cao hơn 100 lần so với tổng nồng độ iodine-129 được tạo ra từ các vụ thử vũ khí hạt nhân xuất hiện trong khí quyển.
Tuy nhiên, giả thuyết trên đã vấp phải sự phản đối của nhiều nhà khoa học do thành phố Tây An nằm cách Pháp và Anh hơn 8.000 km.
Giáo sư Guo Qiuju tại Đại học Peking nhận định, nếu đúng châu Âu là thủ phạm làm xuất hiện phóng xạ iodine-129 ở Tây An thì chắc chắn đã xảy ra một vụ tai nạn hạt nhân vô cùng nghiêm trọng và đã bị giấu kín.
“Châu Âu đã thành lập một mạng lưới kiểm soát phóng xạ và môi trường vào loại tốt nhất thế giới. Nếu có một đám mây xuất hiện trong mạng lưới này, toàn bộ hệ thống cảnh báo sẵn sàng hoạt động”, bà Guo nói.
Bà Guo, một thành viên thuộc ủy ban chuyên gia cố vấn cho chính phủ Trung Quốc giải quyết mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên, cũng nhấn mạnh hiện tượng nồng độ phóng xạ tăng cao ở Tây An không xuất phát từ vụ thử bom H của Bình Nhưỡng.
“Nếu xảy ra tình trạng rò rỉ phóng xạ, các trạm theo dõi ở trên các ngọn núi cao ở biên giới Trung – Triều cũng sẽ ghi nhận được những thông số tương tự và thậm chí còn lớn hơn. Nhưng thực tế lại không như vậy. Nói cách khác, nguyên nhân không phải từ Triều Tiên", Bà Guo cho hay.
Còn theo một chuyên gia hạt nhân giấu tên, Tây An vốn là khu vực đặt trung tâm nghiên cứu quy mô lớn phục vụ chương trình phát triển vũ khí hạt nhân của Trung Quốc.
Cụ thể, Viện Nghiên cứu công nghệ hạt nhân Tây bắc do Ban Phát triển thiết bị của quân đội Trung Quốc điều hành đã cho hoạt động hàng loạt thiết bị phóng xạ trong thành phố. Do đó, “không loại trừ khả năng đã xảy ra một vụ tai nạn ở địa phương”.
Trong khi đó, bà Zhang cũng thừa nhận để tránh gây hoang mang dư luận mà thông tin về nồng độ phóng xạ iodine-129 tăng cao bất thường đã bị giấu kín và mới chỉ được công khai vào cuối tháng 11.
Số liệu thống kê trong tháng 11 cho thấy Trung Quốc không xuất bất kỳ một sản phẩm từ dầu mỏ nào sang Triều Tiên, mạnh...