Phát hiện hành tinh "khủng" có 2 mặt trời
Dù con người không bao giờ có thể nhìn thấy 2 mặt trời cùng lúc trên trái đất, chúng ta vẫn có hy vọng chiêm ngưỡng khung cảnh đó từ một hành tinh khác.
Minh họa hành tinh với 2 mặt trời
Hành tinh có 2 mặt trời đã có trong tưởng tượng và các bộ phim viễn tưởng từ lâu. Trên thực tế chúng có tồn tại.
Tại buổi họp của Hiệp hội Thiên văn Hoa Kỳ, các nhà khoa học NASA xác nhận đã tìm thấy một hành tinh, số hiệu Kepler-1647b quay quanh hai mặt trời. Đây được coi là phát hiện rất đáng chú ý. Thông thường các hành tinh chỉ quay quanh một mặt trời.
Hành tinh này có độ tuổi ngang bằng với trái đất, 4,4 tỷ năm, cách chúng ta 3.700 năm ánh sáng và có khối lượng, bán kính, thành phần khí quyển tương đương với sao Mộc. Kepler-1647b mất 1.107 ngày để quay quanh các mặt trời, 1 trong số đó nhỉnh hơn và sáng hơn một chút.
Thú vị hơn, khoảng cách giữa nó và các hành tinh xung quanh đủ điều kiện để sự sống xuất hiện, và chất lỏng có thể tồn tại trên bề mặt. Ngoài ra khối khí lớn bọc xung quanh cũng cho thấy rằng nó có một mặt trăng rất lớn nhưng chưa được khám phá.
So sánh kích cỡ trái đất và sao Mộc
Đây không phải là hành tinh đầu tiên được tìm thấy có hai mặt trời, nhưng nó là hành tinh có kích cỡ lớn nhất, và có thời gian quay quanh quỹ dạo dài nhất từ trước tới giờ. 10 hành tinh có hai mặt trời trước đó chỉ nhỏ bằng sao Thổ.
Các nhà khoa học coi đây là phát hiện quan trọng vì Kepler-1647b kích cỡ lớn sẽ rất có ích trong việc tìm hiểu cơ chế động học rằng làm cách nào nó có thể tồn tại song song khi có 2 mặt trời.
Hình ảnh trong phim viễn tưởng
Dù lớn như vậy, nhưng Kepler-1647b không thể nhìn thấy bằng mắt thường, mà phải qua đài quan sát Kepler. Các nhà thiên văn phải quan sát độ sáng các ngôi sao và theo dõi quỹ đạo trong thời gian dài để xác nhận thông tin chính thức.
Kepler bắt đầu nhiệm vụ vào 2009 và sẽ kết thúc vào tháng 10.2017. Tháng trước NASA tiết lộ đã phát hiện 1284 hành tinh, 9 trong số đó thích hợp cho sự sống tồn tại.