Pháo binh Triều Tiên - Sức mạnh đã bị thổi phồng?
Được mệnh danh là "vua chiến trường", lực lượng pháo binh Triều Tiên có thể trở thành "vũ khí hủy diệt" đủ sức san phẳng thủ đô Seoul chỉ trong vài ngày. Liệu năng lực pháo binh Triều Tiên có bị thổi phồng?
Theo National Interest, đối với hầu hết các lực lượng quân đội trên thế giới, pháo binh chỉ là một phần trong tổ hợp đa binh chủng gồm bộ binh, thiết giáp và tên lửa.
Song với vị trí chiến lược của Triều Tiên khi nằm ngay trong phạm vi tấn công thủ đô Seoul, nơi sinh sống của 25 triệu dân, nhiều chuyên gia tin rằng, kho pháo binh và tên lửa của Bình Nhưỡng sẽ trở thành “vũ khí hủy diệt” và đủ sức san phẳng thủ đô Hàn Quốc chỉ trong vài ngày.
Nhưng liệu mối đe dọa từ lực lượng pháo binh vốn được mệnh danh là "vua chiến trường" của Triều Tiên có bị thổi phồng?
Dàn pháo binh Triều Tiên đồng loạt nổ súng tập trận.
Dàn pháo binh "khủng"
Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, Triều Tiên đã cho xây dựng lực lượng quân đội và quân chủng pháo binh khổng lồ nhằm mục tiêu tái chiếm Hàn Quốc.
Bộ Tư lệnh pháo binh Triều Tiêu sở hữu 12.000 khẩu pháo cùng 2.300 dàn phóng tên lửa đa nòng cỡ 107 mm. Trong đó, đa số các khẩu pháo Triều Tiên có cỡ nòng 122 mm, 130 mm, 152 mm, 170 mm và phần lớn dàn phóng tên lửa có cỡ nòng 240 mm.
Theo chuyên gia Kyle Mizokami tại thành phố San Francisco của Mỹ, pháo binh thực sự có tính hữu dụng trên báo đảo Triều Tiên. Bởi khu vực này có địa hình đồi núi, rừng rậm, gây hạn chế tầm nhìn cũng như rút ngắn tầm bắn thẳng. Trong khi đó, những loại vũ khí như pháo, dàn phóng tên lửa, súng cối sẽ hữu dụng trong các chiến dịch tấn công những mục tiêu ở phía bên kia núi hoặc trong thung lũng.
Trong thời bình, các đơn vị pháo binh Triều Tiên được Bộ Tư lệnh pháo binh quản lý. Còn trong thời chiến, các đơn vị pháo binh Triều Tiên được phân theo những tư lệnh quân đoàn chịu trách nhiệm điều hành chiến dịch.
Về cơ bản, các đơn vị quân sự Triều Tiên được trang bị pháo binh từ cấp trung đoàn. Cụ thể, mỗi trung đoàn bộ binh không chỉ có 3 tiểu đoàn bộ binh mà còn có thêm một tiểu đoàn súng cối hạng nặng gồm 18 khẩu 120 mm, một tiểu đoàn pháo 18 khẩu 120 mm, một tiểu đoàn pháo 18 khẩu 122 mm và một một tiểu đoàn có 9 dàn phóng đa nòng 107 mm và 140 mm. Nói cách khác, mỗi trung đoàn Triều Tiên có thể tác chiến độc lập trên chiến trường, triển khai tấn công mà không cần yểm trợ từ bộ chỉ huy trong trường hợp cần thiết.
Ở cấp độ cao hơn, một sư đoàn của Triều Tiên có 3 tiểu đoàn pháo binh gồm một tiểu đoàn pháo binh trang bị 12 khẩu 152 mm và hai tiểu đoàn pháo binh gồm 18 khẩu 122 m cùng một tiểu đoàn tên lửa đa nòng 122 mm với 12 bệ phóng tên lửa đa nòng Katyusha gắn trên xe tải. Tất cả các tiểu đoàn này tạo thành một sư đoàn chiến đấu ở tiền tuyến sở hữu số vũ khí lớn hơn cả một sư đoàn của quân đội Mỹ hoặc Hàn Quốc.
Ngoài ra, Triều Tiên còn được cho có các quân đoàn sở hữu những khẩu pháo hạng nặng cùng dàn phóng tên lửa. Mỗi quân đoàn có 12 tiểu đoàn pháo binh với 6 tiểu đoàn pháo và 6 tiểu đoàn tên lửa đa nòng. Con số này nhiều gấp đôi số lượng đơn vị pháo binh trong một quân đoàn Mỹ.
Các tiểu đoàn pháo được trang bị 18 khẩu pháo tự hành Koksan 170 mm, còn các tiểu đoàn tên lửa đa nòng được trang bị các dàn phóng tên lửa 240 mm. Trong thời chiến, các tiểu đoàn pháo được chia thành hai hoặc nhiều nhóm nhằm hỗ trợ các chiến dịch quan trọng như vượt qua phòng tuyến ở khu vực phi quân sự (DMZ).
Vào tháng 11/2010, thế giới đã có cơ hội hiếm hoi chứng kiến khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị pháo binh Triều Tiên khi Bình Nhưỡng bất ngờ tấn công đảo Yeonpyeong, phía nam Hàn Quốc. Để chuẩn bị cho cuộc tấn công, một tiểu đoàn tên lửa đa nòng 122 mm đã được di chuyển đến bán đảo Kangnyong nằm gần đảo Yeonpyeong.
Kết quả là vào ngày 23/11/2010, hai đợt pháo kích với tổng cộng 170 quả tên lửa 122 mm cùng một số quả đạn pháo 76,2 mm được các đơn vị pháo binh sát bờ biển Triều Tiên bắn vào đảo Yeonpyeong.
Phía Hàn Quốc chỉ đáp trả yếu ớt. Hậu quả hai dân thường và hai lính thủy quân lục chiến Hàn Quốc đã thiệt mạng trong vụ tấn công. Tiểu đoàn tên lửa đa nòng Triều Tiên được cho bắn tổng cộng khoảng 288 quả tên lửa nhưng chỉ có 170 quả thực sự vươn đến đảo Yeonpyeong.
Quân đội Mỹ - Hàn tham gia một cuộc tập trận chung.
Thương vong có thể giảm thiểu
Một nghiên cứu của Viện Nautilus hồi năm 2011 cho rằng, trên lý thuyết, một lực lượng pháo binh hùng hậu có thể gây thương vong cho số lượng lớn dân cư song những cản trở về mặt tác chiến có thể giảm đáng kể số thương vong cho dân thường.
Cụ thể, dù Triều Tiên nắm trong tay hàng ngàn khẩu pháo nhưng chỉ có 700 khẩu pháo hạng nặng cùng bệ phóng tên lửa và 300 dàn phóng tên lửa đa nòng có tầm bắn vươn tới thủ đô Seoul của Hàn Quốc. Ngoài ra, chỉ 1/3 trong số này có thể khai hỏa cùng lúc.
Bên cạnh đó, Seoul còn cho xây dựng một hệ thống hầm trú ẩn khổng lồ cho người dân. Đặc biệt, quân đội Mỹ và Hàn Quốc sẽ nhanh chóng truy tìm tiêu diệt các đơn vị pháo binh Triều Tiên đang tham gia tấn công Seoul. Do đó, số lượng pháo binh Triều Tiên tham chiến sẽ giảm mạnh.
Thậm chí, khi triển khai một cuộc pháo kích tổng lực nhằm gây thương vong tối đa cho thủ đô Hàn Quốc, Bình Nhưỡng không những đối mặt với nguy cơ không thể chiếm giữ Seoul, mà còn giúp Mỹ - Hàn có cơ hội phối hợp phản công.
Cuối cùng, ông Mizokami nhấn mạnh dù chiến dịch pháo kích ồ ạt có khả năng khiến một triệu dân thường Seoul thiệt mạng nhưng điều đó cũng sẽ dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của chính quyền Bình Nhưỡng. Đây chính là yếu tố quan trọng để Bình Nhưỡng cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra quyết định tấn công quân sự Seoul.
Ngày 10-10, tàu Hao Fan 6 của Triều Tiên bị Liên Hiệp Quốc (LHQ) cấm cập cảng trên toàn cầu, sau đó đột nhiên mất tích...