Ông Tập đang thay đổi "luật chơi" trong giới lãnh đạo TQ

Ông Tập Cận Bình được đánh giá là người kế nhiệm xuất sắc nhất từ thời Mao Trạch Đông với những quyết sách mạnh mẽ và cứng rắn.

Ông Tập đang thay đổi "luật chơi" trong giới lãnh đạo TQ - 1

Ông Tập Cận Bình đang bước vào giai đoạn chính trị quan trọng trong sự nghiệp khi Đại hội đảng lần thứ 19 diễn ra vào năm sau.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là luôn tự hướng mình theo hình mẫu của Mao Trạch Đông. Nhằm củng cố quyền lực và sự ảnh hưởng trong đảng Cộng sản, ông Tập đã làm theo một trong những phát ngôn nổi tiếng nhất của Mao: “Không thể xây nếu không có phá, không thể tuôn chảy nếu không có ngăn dòng và không chuyển động nếu không có dừng lại: đó là hai phạm trù trong một cuộc đời luôn tranh đấu”.

Đoạn trích này trong bài phát biểu quan trọng tiêu đề “Về dân chủ mới” của Mao Trạch Đông tại Diên An năm 1940.

Cụm từ “không thể xây nếu không có phá” ám chỉ việc quét sạch tàn dư của chủ nghĩa đế quốc và phong kiến. Sau này, Mao cùng những người ủng hộ đã dùng chính câu nói trên để xóa bỏ các giá trị văn hóa lâu đời.

Kể từ khi nắm quyền, ông Tập cho thấy một quyết tâm rất lớn nhằm phá bỏ các luật bất thành văn và không chính thức chi phối nội bộ đảng Cộng sản Trung Quốc suốt 30 năm qua.

Dấu hiệu đầu tiên là ông củng cố quyền lực bằng những bước đi cứng rắn thay vì hành động dựa trên sự đồng thuận của đại đa số như người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Sau chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” chống tội phạm tham nhũng quy mô lớn, ông Tập đã xóa bỏ luật bất thành văn về việc miễn tội cho những thành viên trong Ban Thường vụ Bộ chính trị.

Ông Tập đang thay đổi "luật chơi" trong giới lãnh đạo TQ - 2

Chính sách đồng thuận của đại đa số của ông Hồ Cẩm Đào đã bị ông Tập thay thế.

Ông Tập Cận Bình yêu cầu điều tra quan tham Chu Vĩnh Khang, một lãnh đạo cao cấp về hưu của đảng Cộng sản Trung Quốc, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, từng giữ chức trong Ban thường vụ Bộ chính trị lần thứ 17 và chủ nhiệm Ủy ban Chính trị - Pháp luật trung ương từ năm 2007 đến năm 2012. Chu Vĩnh Khang sau đó bị kết án tù chung thân.

Quan trọng hơn, ông Tập đã có cuộc thanh lọc hàng ngũ quân đội lớn nhất lịch sử bằng việc điều tra hàng loạt tướng tá, quan chức cấp cao trong bộ máy an ninh vì nghi ngờ tham nhũng. Sự tái cấu trúc Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc và việc thành lập một đơn vị chiến đấu mới từng được cho là điều bất khả trong quá khứ.

Khi Tập Cận Bình củng cố quyền lực, nhiều đồn đoán cho rằng ông sẽ xóa bỏ luật bất thành văn về một trong những vấn đề nhạy cảm nhất của chính trị Trung Quốc, đó là lựa chọn người kế nhiệm.

Vòng xoay của nền chính trị Trung Quốc đã bắt đầu và tới mùa thu năm sau, Đại hội đảng lần thứ 19 sẽ diễn ra, trong đó một Ban Thường vụ Bộ chính trị mới sẽ được bầu ra.

Ông Tập đang thay đổi "luật chơi" trong giới lãnh đạo TQ - 3

Vương Kì Sơn, "cánh tay nối dài" của Tập Cận Bình.

Một luật lệ phi chính thức khác là những người dưới 67 tuổi có thể ở lại Bộ Chính trị thêm 5 năm nữa, trong khi những cá nhân từ 68 tuổi trở lên buộc phải nghỉ hưu. Không một lãnh đạo cấp cao nào được phép tại vị trong hai nhiệm kỳ.

Nếu chiểu theo luật này, chỉ có Tập Cận Bình 63 tuổi và Thủ tướng Lí Khắc Cường, 61 tuổi là tiếp tục 5 năm tới trong Ủy ban Thường vụ, trong khi 5 thành viên khác sẽ phải nhường vị trí. Phân nửa thành viên trong Bộ Chính trị cũng phải thay đổi nhân sự.

Dựa theo khát vọng và quyền lực của ông Tập, nhiều chuyên gia dự đoán rằng ông sẽ thay đổi quy định nghỉ hưu cho lãnh đạo cấp cao nhằm có trong tay đội ngũ hùng mạnh cho nhiệm kỳ 2 của mình dự kiến kết thúc vào năm 2022.

Tương lai của Vương Kì Sơn, một trong những lãnh đạo tinh hoa và là trợ thủ thân tín nhất của ông Tập Cận Bình, cũng sẽ được quyết định trong thời gian tới. Là thành viên Ban Thường vụ Bộ chính trị, Vương chỉ huy kế hoạch phòng chống tham nhũng với kết quả xuất sắc.

Vương Kì Sơn đã 68 tuổi nhưng dự kiến một ngoại lệ sẽ được chiếu cố để ông làm thêm một nhiệm kỳ nữa. Với thành tích chống tham nhũng và khả năng kinh tế nhạy bén, chắc chắn Vương Kì Sơn sẽ được cân nhắc ở thêm 5 năm.

Ông Tập đang thay đổi "luật chơi" trong giới lãnh đạo TQ - 4

Bắc Đới Hà, thành phố dự kiến tổ chức phiên họp không chính thức mùa hè năm sau.

Nếu Vương được phép tại vị thì đây là tiền lệ đầu tiên trong lịch sử chính trị Trung Quốc. Việc củng cố quyền lực và xây dựng tầm ảnh hưởng của ông Tập sẽ được kéo dài thêm 5 năm nữa.

Khi Đại hội đảng chỉ còn cách đúng một năm, nhiều đồn đại lại xuất hiện quanh phiên họp toàn thể của Ủy ban Trung ương dự kiến bắt đầu vào hôm nay 24.10.

Đội ngũ lãnh đạo cấp cao tuyên bố phiên họp toàn thể này chú trọng vào các quy tắc đạo đức điều chỉnh hành vi cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là hàng ngũ tinh hoa.

Truyền thông phương Tây cho rằng ngoài chương trình nghị sự chính thức, phiên họp toàn thể sẽ bàn thảo khả năng thay đổi nhân sự chủ chốt. Một số tờ báo Trung Quốc cũng cho rằng chức danh lãnh đạo Hong Kong cũng sẽ tìm được chủ nhân mới trong đại hội lần này.

Nếu theo lịch sử chính trị Trung Quốc thì việc thay đổi chức danh chủ chốt thường được thực hiện phi chính thống trước khi đưa ra bàn thảo ở những phiên họp toàn thể quan trọng. Ông Tập Cận Bình chắc chắn sẽ chú trọng vào việc xây dựng quy tắc đạo đức cho cán bộ cấp cao để phòng chống tệ tham nhũng đang tràn lan hiện nay ở Trung Quốc.

Ông Tập đang thay đổi "luật chơi" trong giới lãnh đạo TQ - 5

Mao Trạch Đông (trái) và Đặng Tiểu Bình.

Quyết định lựa chọn lãnh đạo cấp cao có lẽ sẽ được đưa ra trong phiên họp không chính thức ở Bắc Đới Hà, tỉnh Hà Bắc vào mùa hè tới. Với việc tuyển chọn vị trí lãnh đạo Hong Kong, một số nhà quan sát cho rằng hành động này thực sự không quan trọng lắm. Việc thay đổi người đứng đầu đặc khu Hong Kong không mang tính quyết định trong phiên họp toàn thể lần này.

Về khả năng ông Tập ở lại tới năm 2022, hiện nay chưa có nhiều thông tin xoay quanh quan điểm này. Thay đổi luật lệ hiện hành sẽ mang lại nhiều rủi ro, gây ra mâu thuẫn và tranh chấp nội bộ đảng, ảnh hưởng tới quyết tâm củng cố quyền lực và tính chính danh của đảng Cộng Sản như Tập Cận Bình mong mỏi.

Ngoài ra, luật bất thành văn giúp thể chế hóa việc chọn đội ngũ kế cận và tránh tình trạng tranh giành trong đảng kể từ khi thành lập tới nay. Ông Tập có thể là một người kế nhiệm xuất sắc của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, tuy nhiên việc “phá hủy để xây dựng” của ông vấp phải nhiều trở lực.

Đồn đoán về khả năng ở lại của ông Tập được cho là xuất phát từ những người ủng hộ ông và họ dùng truyền thông phương Tây để thăm dò bầu không khí chính trị trong nước.

Tuy nhiên, lời đồn này hoàn toàn có thể do những kẻ thù ghét Tập Cận Bình tung ra. Đây được xem là cách thức thường thấy khi cung cấp thông tin thất thiệt cho truyền thông quốc tế nhằm hạ bệ những nhân vật quan trọng trong chính giới Trung Quốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh - SMCP ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN