Ông Kim Jong-un toan tính gì khi nói từ bỏ vũ khí hạt nhân?

Trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhà lãnh đạo Triều Tiên khẳng định lập trường từ bỏ vũ khí hạt nhân dù từng coi đây là “thanh kiếm của công lý”.

Ông Kim Jong-un toan tính gì khi nói từ bỏ vũ khí hạt nhân? - 1

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát vụ phóng vệ tinh Kwangmyongsong-3 năm 2012.

Theo Reuters, Triều Tiên từng rất coi trọng vũ khí hạt nhân, coi đây là “thanh kiếm của công lý”. Bình Nhưỡng cũng ra mắt bộ tem in hình tên lửa hạt nhân hay xây tượng kỷ niệm các vụ thử tên lửa đạn đạo.

Các nhà khoa học tên lửa và hạt nhân Triều Tiên cũng được coi là anh hùng dân tộc.

Đối với Kim Jong-un, việc từ bỏ vũ khí hạt nhân là bước ngoặt quan trọng, sau hàng năm trời ăn mừng các vụ thử tên lửa để chứng minh sức mạnh của Triều Tiên.

Đầu tháng này, phái đoàn Hàn Quốc gặp Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng nói ông Kim “cam kết phi hạt nhân hóa” và “muốn gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump sớm nhất có thể”.

Mới đây nhất, ông Kim cũng khẳng định lập trường này trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh.

Tuy vậy, giới chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về việc ông Kim đột ngột từ bỏ vũ khí hạt nhân, thứ mà gia tộc họ Kim đã mất hàng thập kỷ theo đuổi.

Đây có thể là cách để ông Kim trấn an cộng đồng quốc tế, trong khi vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân và giới tinh hoa Triều Tiên.

“Kim Jong-un không có gì cần phải vội, vì quá trình phi hạt nhân hóa có thể phải mất tới 10 năm”, Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Johns Hopkins ở Mỹ nói.

Bước đi cần thiết

Ông Kim Jong-un toan tính gì khi nói từ bỏ vũ khí hạt nhân? - 2

Ông Kim khẳng định lập trường từ bỏ vũ khí hạt nhân trong cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Cựu quan chức Hàn Quốc từng đàm phán với Triều Tiên, điều này là hoàn toàn có thể nếu Mỹ để ông Kim bước ra với tư cách là người chiến thắng.

“Kim Jong-un có thể nói với người dân rằng Mỹ và cộng đồng quốc tế đã ‘đầu hàng’ vì công nghệ vũ khí hạt nhân Triều Tiên”, cựu quan chức Hàn Quốc Kim Hyung-suk nói.

“Nếu đàm phán tiến triển, cấm vận được dỡ bỏ và kinh tế phát triển. Người dân Triều Tiên sẽ hiểu mục đích phi hạt nhân hóa của Kim Jong-un và ủng hộ lập trường này”.

Nhưng không dễ để ông Trump làm đúng theo như vậy, khi hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên dự kiến gặp nhau vào tháng 5 tới.

Tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton thậm chí còn đề nghị ông Trump nên tập trung vào vấn đề loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên càng sớm càng tốt.

Ngược lại, Kim Jong-un cũng cần phải tính toán kỹ lưỡng. Bởi giới chức quân đội có thể không ủng hộ tiến trình phi hạt nhân hóa.

“Đối với họ, việc đảm bảo an ninh quốc gia không thể thiếu vũ khí hạt nhân. Họ có thể phản đối ông Kim và đề nghị giữ lại bom hạt nhân”, Kim Hyung-suk nhận định.

Bài học từ quá khứ

Ông Kim Jong-un toan tính gì khi nói từ bỏ vũ khí hạt nhân? - 3

Triều Tiên đã bỏ nhiều tiền của và sức lực vào việc sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-15.

Ông Kim nói với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên là mong muốn của các thế hệ đi trước, từ cố lãnh tụ Kim Nhật Thành đến người cha Kim Jong-il, theo truyền thông Trung Quốc.

Nhưng Triều Tiên vẫn âm thầm phát triển vũ khí hạt nhân, cho đến khi công khai thử hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006 dưới thời Kim Jong-il.

Ngay cả sau vụ thử hạt nhân đó, cố lãnh đạo Kim Jong-il nói trong cuộc hội đàm năm 2007 với Hàn Quốc rằng, Triều Tiên “không có ý định sở hữu vũ khí hạt nhân”.

Việc đàm phán hạt nhân thất bại với Bình Nhưỡng trong quá khứ khiến nhiều nhà quan sát, bao gồm cựu quan chức Mỹ Evans Revere tỏ ý nghi ngờ, rằng lần này cũng không có nhiều khác biệt.

Trước đây, Triều Tiên luôn khẳng định sẽ từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ rút quân khỏi Hàn Quốc. Điều kiện này được Mỹ cho là không thể chấp nhận được.

“Những người đã từng đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên như chúng tôi đều hiểu họ muốn điều gì”, ông Revere nói.

“Để xoa dịu tình hình trong nước và quốc tế, lãnh đạo Triều Tiên vẫn luôn có lựa chọn tạm thời ‘đóng băng’ một phần chương trình hạt nhân, chứ không phải từ bỏ hoàn toàn”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Reuters ([Tên nguồn])
Kim Jong Un Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN