Ở nơi "kỳ thị" người mặc quần áo

Cư dân trên hòn đảo Ile du Levant, thuộc địa của Pháp đang phản đối "Luật trang phục" yêu cầu người dân phải ăn mặc kín đáo hơn.

Ở nơi "kỳ thị" người mặc quần áo - 1

Người dân đảo Ile du Levant biểu tình đòi quyền...khỏa thân 

Tờ mờ sáng trên hòn đảo bên bờ Địa Trung Hải, hàng chục đàn ông và phụ nữ khỏa thân đã cùng nhau diễu hành để bảo vệ quyền tự do ăn mặc của họ.

Mục tiêu cuộc biểu tình là đấu tranh với Jean-Yves Gacon, chủ tịch hiệp hội các chủ sở hữu hòn đảo, người ép buộc dân đảo phải mặc quần áo. Gacon được thị trưởng và cả cảnh sát ủng hộ, và họ sẵn sàng ngăn cản bất kỳ ai vào quảng trường mà không mặc quần áo.

"Truyền thống nơi này cần được bảo tồn", Elizabeth Varet, một giáo viên tiếng Anh 70 tuổi đã nghỉ hưu từng tham dự cuộc biểu tình nói.

Ông Gacon, với áo sơ mi đen, quần trắng và kính mát ngồi trong văn phòng, không chịu nhún nhường: "Đòi hỏi mọi người mặc ít nhất là đồ bơi chẳng có gì to tát cả"

Mâu thuẫn bắt đầu nổ ra từ mùa hè năm ngoái và dự kiến sẽ tiếp tục vào mùa hè năm nay khi thời tiết ấm lên, khiến phe "khỏa thân" và phe "tươm tất" dần rạn nứt. Dân đảo thuộc địa này cũng tạo ra cuộc chiến pháp lý với đại lục Pháp, và yêu cầu ông Gacon phải chú ý tới lịch sử của thuộc địa khi khởi động chiến dịch.

Thuộc địa này được thành lập khi 2 anh em bác sĩ Andre và Gaston Durville tới đây vào những năm 1930 để thực hiện ước mơ thành lập một cộng đồng hòa hợp với thiên nhiên. Những người định cư cho rằng trang phục rất ngột ngạt vì nó che đậy và làm biến dạng cơ thể, phá vỡ hình dáng tự nhiên của con người với quần tây, váy và áo sơ mi.

Ở nơi "kỳ thị" người mặc quần áo - 2
Vẻ đẹp hoang sơ tại Ile du Levant

Không có điện nước, nên những cư dân đầu tiên sống một cuộc sống đạm bạc và đơn giản. Họ bán đất cho những người di cư và sau đó hình thành hội đồng các chủ đất tạo ra luật lệ cho hòn đảo.

Tới năm 1960, Ile de Levant bắt đầu thu hút số lượng lớn người có tư tưởng tự do. Hàng ngàn du khách đổ xô đến hòn đảo để thưởng ngoạn. 

Dọc quá trình phát triển, Ile du Levant hình thành các khu có nội quy riêng về trang phục. Dọc bãi biển cũng như khu vực leo núi bị...cấm mặc quần áo. Riêng khu vực thử tên lửa bên trong hàng rào dây thép gai được xây dựng trong những năm 1950 thì ngược lại. Khỏa thân dạo trong quảng trường cũng là trái luật.

Vào năm 1980 khi văn hóa hippie trở thành trào lưu, du khách tới đây nhiều hơn, khiến giá bất động sản tăng vọt ở các thành phố lân cận như Riviera St.Tropez. Tuổi thọ trung bình của cư dân cũng tăng. Các chuyến bay khá rẻ, thu hút làn sóng người nhập cư, đa số là người dân mẫu quốc Pháp theo đuổi "chủ nghĩa khỏa thân".

Các cư dân lâu năm gọi những "ma mới" là "tươm tất". Một trong số đó là ông Gacon, công chức Kho bạc Pháp mới về hưu năm 2013 và mua một ngôi nhà trên đảo. Ông Gacon thích tắm khỏa thân ở bãi biển, nhưng mỗi khi về, việc ăn vận kín đáo là bắt buộc.

Ở nơi "kỳ thị" người mặc quần áo - 3
Du khách trên đảo

"Không rõ ông ấy có khỏa thân ở nhà không nữa" - Jean-Albert, chủ tiệm tạp hóa 69 tuổi nói. Jean-Albert không mặc gì trên người ngoài một cặp kính râm.

Trong những ngày này, ông Gacon là trung tâm của một cuộc cách mạng văn hóa, và không khoan nhượng với việc khỏa thân trên đảo. Bất cứ ai bị bắt gặp khỏa thân tại nơi công cộng đều bị phạt. Ông dành thời gian kiểm tra lịch sử và dẫn chứng rằng 2 anh em nhà Durville không khỏa thân hoàn toàn mà mặc đồ lót mỏng.

"Hai anh em Durville tôn trọng luật", ông nói.

Những người phản đối ông đã thực hiện trưng cầu dân ý nhằm phục hồi không gian nguyên trạng, cho phép khỏa thân trong quảng trường và các cửa hàng xung quanh. Đa số trong 240 chủ đất đều đồng ý, nhưng chính quyền địa phương phủ nhận kết quả này. Cảnh sát đảo, thuộc quyền quản lý của chính quyền thị trấn ven biển Hyères, cũng không ủng hộ việc khỏa thân.

"Tôi tôn trọng việc khỏa thân, nhưng phải có giới hạn", Jean-Pierre Giran, thị trưởng Hyères cho hay. Ông cho rằng động thái tại Ile du Levant đã vượt quá thẩm quyền. "Ile du Levant là đảo tư nhân chứ không phải Vatican. Tôi phụ trách trật tự công cộng tại đó" ông nói thêm.

Ngược lại, những cư dân trên đảo cũng không nhún nhường trước thị trưởng. Để tỏ thái độ bất tuân, Doris Mertiny, 76 tuổi, đã xuất hiện trong cuộc họp chủ đất với bộ dạng trần như nhộng. Tất cả người dân trong phòng quay ra nhìn, rồi cùng nhau cởi toàn bộ quần áo ngay trước mặt chủ tịch Gacon.

"Ông Gacon trố mắt nhìn tôi" bà Mertiny nhớ lại.

Ở nơi "kỳ thị" người mặc quần áo - 4

Bãi tắm bên bờ biển

Các chủ doanh nghiệp cũng về phe người dân. Gilles Goiset, chủ một khách sạn đứng đầu hiệp hội doanh nghiệp nhỏ nói rằng hòn đảo cần giữ truyền thống như một lợi điểm bán hàng độc nhất nhằm thu hút khách thay vì che giấu. Ông cho rằng bắt du khách mặc quần áo trên đường ra bãi biển khỏa thân quá phức tạp.

"Điều những người theo chủ nghĩa khỏa thân thấy khó chịu là quần áo" - ông nói, thơ thẩn trong quán cà phê với độc một chiếc khố quấn quanh eo.

Dưới áp lực, thị trưởng đã phải thỏa hiệp: Người dân được phép khỏa thân đi qua quảng trường miễn là họ không dừng hay nán lại đó.

Nhiều người nhìn nhận đây là một biện pháp đối phó.

"Như vậy thì tốt hơn, nhưng không phải là giải pháp lâu dài. Sẽ vẫn có nhiều người tỏ ra khó chịu với việc khỏa thân. Thật là đạo đức giả" - ông Vaillant, một người dân nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Mẫn Di - Wall Street Journal ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN