Những quốc gia âm thầm quay lưng với Triều Tiên
Triều Tiên ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập, trong bối cảnh Trung Quốc vẫn là đối tác lớn nhất.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Theo tạp chí Nikkei Asian Review (Nhật Bản), Triều Tiên đang cảm thấy cô độc hơn bao giờ hết vì những bạn bè ở châu Phi, Đông Nam Á và nhiều khu vực dần quay lưng, đặc biệt sau vụ phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-15.
Cuối tháng 11, Ngoại trưởng Angola Manuel Augusto tuyên bố đã trục xuất 150 người Triều Tiên làm việc trong một dự án xây dựng ở nước này. Lý do được đưa ra là vì họ đã hết hạn hợp đồng và không có lý do gì để tiếp tục ở lại Angola.
Nhiều quốc gia châu Phi từng phụ thuộc vào Triều Tiên để mua vũ khí và huấn luyện quân đội, nay cũng đang suy nghĩ lại. Đây được coi là một trong những cách để Triều Tiên tăng thêm nguồn thu ngoại tệ.
Kể từ tháng 10, Uganda và Sudan đã âm thầm ngừng các hoạt động hợp tác quân sự với Triều Tiên. Ai Cập đã hợp tác với Triều Tiên từ những năm 1950, nay cũng đang cắt đứt quan hệ, theo lời Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Sedki Sobhi.
Ngay cả các quốc gia Đông Nam Á, đối tác truyền thống của Triều Tiên cũng đang có động thái rời xa Bình Nhưỡng. Tháng trước, Singapore thông báo cấm tất cả các giao dịch thương mại xuất khẩu hàng hóa sang Triều Tiên hoặc nhập khẩu từ Triều Tiên qua Singapore.
Các cá nhân hay tổ chức vi phạm sẽ bị phạt tới 150.000 USD, hoặc số tiền gấp bốn lần giá trị hàng hóa, phạt tù tới 3 năm hoặc cả hai hình thức trên.
Philippines hồi tháng 9 nói quốc gia này đã ngừng giao thương với Triều Tiên. Ấn Độ ngừng xuất khẩu năng lượng sang Triều Tiên cũng như không còn nhập hải sản và hàng dệt may từ Bình Nhưỡng.
Cuối tháng 10, Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói với quốc hội rằng nước này sẽ cân nhắc lại mối quan hệ ngoại giao, chính trị và kinh tế với Triều Tiên.
Đại sứ quán Đức ở Triều Tiên.
Theo Nikkei. 90% kim ngạch thương mại của Triều Tiên đến từ giao thương với Trung Quốc, do đó việc các quốc gia châu Phi và Đông Nam Á ngừng quan hệ cũng không ảnh hưởng nhiều. Nhưng điều này cũng cho thấy rằng Triều Tiên ngày càng bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Các quốc gia ở châu Âu, Trung và Nam Mỹ cũng dần quay lưng với Triều Tiên. Ngày 30.11, một ngày sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa đạn đạo Hwasong-15, Đức tuyên bố rút một số nhân viên ngoại giao khỏi Đại sứ quán ở Bình Nhưỡng.
Các quốc gia bao gồm Tây Ban Nha, Kuwait hay Mexico đều đã trục xuất đại sứ Triều Tiên.
Theo dự đoán của các chuyên gia, lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên sẽ bắt đầu có hiệu quả trong mùa đông năm nay. Cấm vận có thể làm giảm tổng sản phẩm quốc nội của Triều Tiên xuống khoảng 7%.
Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải chặn nguồn tiền Triều Tiên dùng để phát triển hạt nhân và chế tạo tên lửa. Để làm được điều này cần có sự hợp tác sâu rộng hơn từ Trung Quốc.
“Điều quan trọng là phải phơi bày và ngăn chặn mạng lưới cung cấp tiền cho Triều Tiên”, Katsuhisa Furukawa, cựu chuyên gia giám sát thực thi lệnh trừng phạt ở Triều Tiên, nhận định.
Giá dầu ở Triều Tiên đã giảm mạnh trong một tháng qua nhờ vào nguồn cung cấp năng lượng mới, báo Mỹ Newsweek đưa tin.