Thủ đoạn của nhà sư Thái Lan bị 4.000 cảnh sát vây bắt

Nhà sư Phra Dhammachayo thể hiện tham vọng quyền lực ngay từ khi còn nhỏ, thu hút tín đồ theo hình thức đa cấp và đang bị hàng ngàn cảnh sát Thái Lan truy bắt ráo riết vì cáo buộc tham nhũng.

Thủ đoạn của nhà sư Thái Lan bị 4.000 cảnh sát vây bắt - 1

Nhà sư Phra Dhammachayo đã xây dựng chùa Dhammakaya với quy mô trên toàn thế giới.

Theo Bangkok Post, Phra Dhammachayo, tên thật là Chaibul Sithiphol, sinh ngày 22.4.1944 tại tỉnh Sing Buri. Thông tin đăng tải trên trang web của chùa Wat Dhammakaya cho biết, khi mẹ của Chaibul mang thai, bà nằm mơ thấy một nhà sư đáng kính trao cho mình một đứa bé kháu khỉnh và nói nó chính là “hiện thân của một quả cầu pha lê”.

Người viết tiểu sử chính thức mô tả nhà sư Dhammachayo như một cậu bé vàng, mang sứ mệnh dẫn dắt các tín đồ tới con đường giác ngộ. Nhưng đối với những người chỉ trích, nhà sư chỉ là bậc thầy thao túng, người từng thừa nhận ngưỡng mộ Hitler và và mong muốn “thống trị thế giới”.

Cựu trụ trì tai tiếng của chùa Dhammakaya tai tiếng, trông trẻ hơn nhiều so với tuổi 72. Người ta đồn rằng ông này thường mát-xa da mặt 2 lần một ngày và dùng kem dưỡng đắt tiền. Mới đây, trong chiến dịch truy bắt kéo dài hơn một tuần qua với khoảng 4.000 cảnh sát tham gia, người ta cũng phát hiện buồng oxy cao áp trong phòng riêng của nhà sư này.

Cỗ máy đắt tiền giúp tăng lượng oxy nạp vào cơ thể người sử dụng. Liệu pháp giúp cho các tế bào và mao mạch của bệnh nhân phát triển tốt hơn, bạch cầu hoạt động năng suất hơn. Thiết bị cũng có tác dụng giúp cho máu đi tới các tế bào dễ dàng, tăng cường hoạt động của các tế bào gốc, làm nhanh tái tạo các mô tổn thương, tăng sức đề kháng.

Dhammachayo hiếm khi trả lời phỏng vấn ngoài kênh truyền thông chính thức. Chùa cũng có trang web riêng và đài truyền hình vệ tinh hoạt động 24/24.

Tham vọng quyền lực

Thủ đoạn của nhà sư Thái Lan bị 4.000 cảnh sát vây bắt - 2

Phra Dhammachayo khi còn trẻ.

Tiến sĩ Mano Laohavanich giảng viên Đại học Thammasart và thành viên chủ chốt của Ủy ban Cải cách Phật giáo nói tuổi thơ của Chailbul không hạnh phúc như những gì người ta vẫn tưởng. Chaibul từng trải qua bi kịch gia đình tan vỡ.

Cha của Chaibul bỏ đi khi con chưa đầy một tuổi. Cha mẹ ông đều tái hôn sau đó không lâu. Bởi vậy, ông thường không ở lại cố định một nơi nào trong suốt thời thơ ấu của mình.

Mano từng là cao tăng tại chùa Wat Dhammakaya và một trong những phụ tá thân cận nhất của Phra Dhammachayo.

Tiến sĩ Mano từng chất vấn nhà sư Dhammachayo về vấn đề giáo lý và bị buộc phải rời ngôi chùa. Sau này, ông trở thành một trong những người chỉ trích nhà sư mạnh mẽ nhất.

“Ông ấy không biết tới tình cảm và sự ấm áp từ gia đình thực sự như thế nào”, Tiến sĩ Mano nói. “Điều này khiến ông trở thành kiểu người khao khát sự chú ý, những người luôn cố gắng tạo ấn tượng tốt để mọi người thích mình”.

Ở tuổi 13, Chaibul bắt đầu học cách sống thanh đạm, thấm nhuần ý thức về niềm tin và trách nhiệm của mình.

Thủ đoạn của nhà sư Thái Lan bị 4.000 cảnh sát vây bắt - 3

 Phra Dhammachayo (giữa) là người sáng lập chùa Dhammakaya.

Khi theo học ở trường Suankularb Wittayalai, Chaibul thành lập câu lạc bộ Phật giáo trẻ. Chaibul thích đọc sách và quan tâm đến cuộc đời của các nhà lãnh đạo trên thế giới. Ông có thể đọc đi đọc lại câu chuyện nhiều lần cho đến khi ghi nhớ hoàn toàn.

Chùa Dhammakaya mô tả, Phra Dhammachayo chịu ảnh hưởng bởi cuộc đời của các vĩ nhân. “Những năm đầu đời đã chuẩn bị cho ông về một nhiệm vụ lớn lao, điều mà ông mơ ước từ khi còn nhỏ”, trang web của ngôi chùa viết.

“Nếu tôi chọn sống thế giới trần tục, tôi đứng ở đỉnh cao của thế giới trần tục. Nếu chọn Phật pháp, tôi cũng muốn là người đứng đầu”, tiểu sử của nhà sư Thái Lan viết.

Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Mano, vì nhiều lý do mà tiểu sử này đã không nhắc tới Adolf Hitler. Tiến sĩ Mano nói, Chaibul chịu ảnh hưởng lớn từ Hitler. Nhà sư Thái Lan thán phục cách nhà độc tài Đức kiểm soát đám đông, thể hiện mong muốn tiếp bước Hitler.

Ngày nay, Tiến sĩ Mano cho rằng cách tổ chức của chùa Wat Dhammakaya hiện nay có phần giống với kỷ luật và đặc tính của Đức Quốc xã.

Thủ đoạn của nhà sư Thái Lan bị 4.000 cảnh sát vây bắt - 4

Một số nhà sư dọa tuyệt thực để ngăn chiến dịch truy bắt cựu trụ trì chùa Dhammakaya của cảnh sát.

“Chiến lược trước tiên của ông ấy là nhắm vào sinh viên, giống như Hitler khi mới thành lập đảng Quốc xã. Sau đó, ông ấy sẽ dần dần truyền bá giáo lý của mình tới những người giàu có và quyền lực”, ông nói.

Một số chính trị gia, doanh nhân nổi tiếng ở Thái Lan được biết đến là những người ủng hộ ngôi chùa mạnh mẽ nhất.

Ngôi chùa nhiều tai tiếng

“Dhammachayo đã xây dựng thành công đế chế của mình bằng cách mô phỏng lại cấu trúc quân đội với cấp bậc và yếu tố kỷ luật”, Tiến sĩ Mano nói.

Ông Mano giải thích, trong các đại lễ mà Dhammachayo tham dự, việc bố trí chỗ ngồi được dựa trên “cấp bậc” của các tín đồ. Các cấp bậc có thể được mua với giá từ 1.000 tới vài triệu baht. Những người quyên góp nhiều hơn được ngồi ở vòng trong, những người ở cấp bậc thấp hơn sẽ phải ngồi ở rìa ngoài.

Ngày 23.2.1970, chùa Dhammakaya bắt đầu được xây dựng nhờ tiền bạc và các lô đất rộng lớn nhờ vào tiền quyên tặng của những người ủng hộ.

Chỉ trong 3 năm, doanh thu của chùa tăng tới 300% nhờ vẻ ngoài hào nhoáng, đánh vào tầng lớp người trẻ và những người học vị cao.

Thủ đoạn của nhà sư Thái Lan bị 4.000 cảnh sát vây bắt - 5

Đụng độ xảy ra giữa các nhà sư và cảnh sát Thái Lan.

Ngôi chùa này mở rộng tín đồ theo cách thức khá giống với mô hình tiếp thị đa cấp, nơi tín đồ sẽ được hưởng ưu đãi nếu lôi kéo được người mới. Nhiều tín đồ còn được gợi ý vay tiền để xây dựng chùa, với lãi suất cao hơn mức thị trường.

Bản thân Tiến sĩ Mano cũng giúp mở chi nhánh chùa Dhammakaya ở California, Mỹ. Đây là một phần trong chiến lược mở rộng tầm ảnh hưởng ra toàn cầu của nhà sư Phra Dhammachayo.

Nhà chùa cũng có kênh truyền hình vệ tinh riêng để kết nối trực tiếp với các tín đồ. Những sự kiện lớn như cuộc diễu hành của hàng trăm tu sĩ qua các đường phố Bangkok đã góp phần lôi kéo các tín đồ nhờ sự hoành tráng.

Nghi vấn về giáo lý của nhà chùa bắt đầu được dấy lên từ đầu những năm 1990, đặc biệt là việc khuyến khích các tín đồ quyên góp tiền của như là cách để tích đức.

Bê bối lớn nhất xảy ra vào khoảng tháng 3.2009-2.2011, Phra Dhammachayo bị cáo buộc nhận 1,2 tỷ baht (khoảng 34 triệu USD) tiền biển thủ từ một chủ ngân hàng đã bị bắt giữ.

Chính quyền Thái Lan từng nhiều lần yêu cầu Dhammachayo trình diện, công bố chi tiết thông tin tài chính của ngôi chùa nhưng không nhận được sự hợp tác.

Thủ đoạn của nhà sư Thái Lan bị 4.000 cảnh sát vây bắt - 6

Những người giàu có được mua chỗ ngồi đẹp nhất ở chùa.

Wat Dhammakaya được cho là ngôi chùa giàu có nhất Thái Lan ngày nay. Chùa có hơn 50 chi nhánh trên toàn thế giới, tổng cộng mạng lưới có hơn 130 ngôi chùa.

Hàng chục ngàn tín đồ từng tập trung trước chùa để ngăn cản việc bắt giữ của lực lượng hành pháp. Họ gọi các cáo buộc của cảnh sát là “vô căn cứ và vô lương tâm”.

Tháng 5.2016, chính quyền Thái Lan đã chính thức ra lệnh bắt Phra Dhammachayo sau nhiều lần nhà sư này phớt lờ lệnh triệu tập với lý do sức khỏe yếu nên không thể rời chùa.

Cuộc truy bắt cho đến ngày 23.2.2017 vẫn chưa có kết quả. Cảnh sát Thái Lan giải thích về thất bại trong việc truy bắt: “Chùa Dhammakaya là một khu vực lộn xộn, chính vì vậy cần phải có thời gian tìm kiếm… chúng tôi vẫn chưa tìm thấy ông ta, nhưng đội tình báo của chúng tôi khẳng định ông ta vẫn còn trong chùa”.

Tuy nhiên, chính quyền Thái Lan vẫn quyết bắt bằng được nhà sư Phra Dhammachayo. Nhiều cảnh sát sẽ được bổ sung đến khu vực để mở chiến dịch truy bắt toàn diện trong thời gian tới.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Bangkok Post ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN