Nguyên nhân MiG-29K Nga vỡ tan khi hạ cánh ở tàu sân bay
Chuỗi trục trặc liên hoàn và cuối cùng là hai động cơ ngừng hoạt động đã khiến cho tiêm kích MiG-29K Nga rơi xuống Địa Trung Hải hồi tuần trước.
MiG-29K cất cánh trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov.
Theo USNI News, đây là thông tin được báo Nga Gazeta.ru công bố ngày 21.11. Phi đội 3 tiêm kích MiG-29K đang trở về tàu sân bay Kuznetsov sau khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát gần Aleppo thì sự cố xảy ra.
Thông thường, mỗi chiếc MiG-29K hạ cánh cách nhau khoảng 3-4 phút,. Chiếc đầu tiên hạ cánh suôn sẻ. Máy bay chiến đấu thứ hai hạ cánh làm đứt cáp hãm đà và may mắn bắt được sợi cáp dự phòng.
Với việc đường băng trên tàu sân bay Kuznetsov gặp rắc rối vì dây cáp hãm đà bị đứt, chiếc MiG-29K thứ ba được lệnh bay vòng tròn để chờ nhân viên kỹ thuật khắc phục.
Trong khi chờ đợi, chiếc MiG-29K này lại gặp vấn đề bất thường với động cơ. Hai động cơ của máy bay đột ngột ngừng hoạt động. Không thể tái khởi động, phi công nhanh chóng bật dù thoát ra ngoài còn máy bay rơi xuống biển vỡ tan.
Phiên bản MiG-29KUB hai chỗ ngồi.
Tiêm kích MiG-29K làm đứt cáp hãm đà khiến hải quân Nga bất ngờ bởi máy bay có trọng lượng nhẹ hơn Su-33. Nhưng chiếc MiG-29K làm nhiệm vụ trinh sát có thể cũng không mang vũ khí với trọng lượng tối đa.
Một tàu NATO có mặt gần đó theo dõi tình hình đề nghị được giúp đỡ nhưng phía Nga từ chối, quan chức NATO nói trên USNI News tuần trước.
Sau sự cố này, Nga tiếp tục cho các chiến đấu cơ trên tàu sân bay cất cánh không kích mục tiêu khủng bố ở Syria.
Điện Kremlin đã cố gắng nâng cao chất lượng phi công lái máy bay trên tàu sân bay trong những năm qua. “Một vài năm trước, người Nga thậm chí vẫn còn sử dụng phi công hợp đồng”, Eric Wertheim, nhà phân tích hải quân Mỹ nói trên USNI.
Tàu sân bay Nga Đô đốc Kuznetsov.
“Họ cố gắng làm chủ kỹ năng cất cánh, hạ cánh trên tàu sân bay vốn nhiều rủi ro nhưng không phải ai cũng thành công”, ông Wertheim nói. Cơ sở trên mặt đất để huấn luyện phi công lái chiến đấu cơ trên tàu sân bay Nga dự kiến mở cửa năm 2015 nhưng tiếp tục bị trì hoãn.
Sự cố đứt cáp trên tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov được đánh giá là rất nghiêm trọng. Nhưng không chỉ Nga, Trung Quốc và Mỹ đã nhiều lần gặp phải sự cố tương tự trong quá khứ.
Tàu sân bay Kuznetsov là một trong nhóm 6 tàu chiến được Nga điều đến Địa Trung Hải, bao gồm tàu tuần dương Peter Đại đế và hai tàu khu trục tên lửa lớp Udaloy.
Nhóm tàu chiến Nga tham gia chiến đấu chống khủng bố còn có tàu hộ vệ Đô đốc Grigorovich. Đây là tàu chiến phóng tên lửa hành trình Kalibr vào mục tiêu khủng bố ở Aleppo hồi tuần trước.
Cho đến sáng ngày 21.11, các tàu này vẫn đang hoạt động ở phía nam đảo Síp, quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.