"Ngày phán xử" ở Ả Rập Saudi

Riyadh được cho là đang đòi một số nghi phạm tham nhũng đánh đổi đến 70% tài sản cho tự do của mình

Tham nhũng không phải là chuyện gì quá mới ở Ả Rập Saudi. Cách đây 10 năm, nhà vua khi đó của vương quốc giàu dầu mỏ này, Abdullah bin Abdulaziz, biết quá rõ sự tự tung tự tác và lối sống xa hoa của hoàng thân quốc thích đã vượt tầm kiểm soát.

Bi kịch ám ảnh

Nguồn tin ngoại giao bị rò rỉ của Mỹ mô tả những nỗ lực của Quốc vương Abdullah trong việc kiềm chế người thân trong hoàng tộc. Trước khi băng hà năm 2015, ông từng nói với những người anh em mình rằng ông không muốn đối mặt "ngày phán xét" với gánh nặng tham nhũng đè nặng trên vai. "Rõ ràng, họ hiểu mình có vấn đề tham nhũng trong nhiều thập kỷ qua và biết mình phải làm điều gì đó" - ông Robert Jordan, một cựu Đại sứ Mỹ tại Ả Rập Saudi, nhận định với tờ The Los Angeles Times.

Trả lời phỏng vấn đài PBS (Mỹ) năm 2001, hoàng thân Bandar bin Sultan al Saud, Đại sứ Ả Rập Saudi tại Washington giai đoạn 1983-2005, tiết lộ khoảng 400 tỉ USD đã được chi tiêu trong 3 thập kỷ phát triển của đất nước, trong đó 1/8 số tiền này tìm đường đi vào các kênh bất hợp pháp. Chưa hết, không ít dự án hạ tầng tham vọng chứng kiến chi phí tăng vọt bởi những đòi hỏi hối lộ trắng trợn từ những nhân vật hoàng gia.

Hàng loạt dự án, từ hệ thống tàu điện ngầm ở thủ đô Riyadh cho đến các công trình tôn giáo ở thánh địa Mecca, đều đang bị "soi" vì những cáo buộc lại quả và tham ô.

"Ngày phán xử" ở Ả Rập Saudi - 1

Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai tại Riyadh vào tháng rồi, có sự tham gia của Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Riêng một dự án còn trên giấy ở thành phố cảng Jeddah đã gây ra những hậu quả bi thảm bởi lòng tham không đáy. Một doanh nhân nhiều quyền lực đã nhận khoản tiền nhiều triệu USD để xây dựng một hệ thống cống rãnh và thoát nước mới nhưng giả vờ như đã hoàn thành nó - một thủ đoạn gian lận không có gì lạ tại vương quốc này.

Việc thiếu một hệ thống thoát nước hoạt động hiệu quả là nguyên nhân chủ yếu khiến thành phố này chìm trong nước lũ sau những trận mưa lớn trong 2 năm 2009 và 2011. Ít nhất 120 người thiệt mạng, nhiều khu vực bị mất điện kéo dài và hạ tầng bị hư hại nặng trong những thiên tai này, dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối và cuộc tranh luận hiếm hoi về chuyện quản lý công quỹ và hạ tầng yếu kém của thành phố.

Theo tờ South China Morning Post, bi kịch này đã trở về ám ảnh giới tinh hoa kinh tế, chính trị của Riyadh khi trở thành tâm điểm của các cuộc điều tra tham nhũng khiến hàng trăm người bị bắt giữ vì những cáo buộc như hối lộ, rửa tiền... Dù vậy, nhiều nhà quan sát kỳ cựu, cũng như một số nhà đầu tư cho thái tử trẻ của Ả Rập Saudi - Mohammed bin Salman - đang sử dụng chiến dịch chống tham nhũng để vô hiệu hóa những đối thủ tiềm tàng, người chống đối và củng cố quyền lực bởi không ít hoàng thân quyền thế, người giàu có trở thành mục tiêu.

Thanh trừng "có chọn lọc"?

Một động cơ khác có thể không gì khác ngoài tiền bởi trong số những mục tiêu của chiến dịch có vài doanh nhân thuộc loại đình đám nhất nước: Hoàng thân al-Waleed bin Talal bin Abdulaziz, tỉ phú kiêm cổ đông của một số công ty công nghệ, truyền thông nổi tiếng thế giới; Saleh Kamel, tỉ phú kiêm chủ sở hữu tập đoàn Dallah al-Baraka; Waleed bin Ibrahim al-Ibrahim, chủ sở hữu tập đoàn truyền thông Middle East Broadcasting Company (MBC)...

Tờ The Washington Post dẫn một nguồn tin thân cận với Riyadh cho rằng 3 doanh nhân nói trên, cùng với những người khác, bị bắt vì Thái tử Mohammed có ý kiểm soát tài sản của họ giữa lúc ông đang cần tiền cho các dự án phát triển của mình. Alwaleed là người giàu nhất Ả Rập Saudi với khối tài sản 28 tỉ USD, nhiều hơn cả đương kim Quốc vương Salman (tài sản 17 tỉ USD).

Cả hai ông Kamel và Ibrahim cũng là tỉ phú. Trong khi đó, theo tiết lộ của tờ Financial Times, chính phủ Ả Rập Saudi đang thương thảo với những người bị giam giữ về việc trả tiền để đổi lấy tự do. Trong một số trường hợp, nghi phạm được yêu cầu giao nộp đến 70% tài sản.

Động thái dàn xếp nhằm thu hồi nhiều tỉ USD tiền tham nhũng diễn ra giữa lúc kinh tế đất nước gặp khó do giá dầu thấp trong thời gian dài và khoản thâm hụt ngân sách 79 tỉ USD năm ngoái. Tổng chưởng lý Ả Rập Saudi cho biết đang điều tra các cáo buộc tham nhũng gây thiệt hại ít nhất 100 tỉ USD và chính phủ nước này muốn thu về khoản tiền tương đương.

Những thông tin trên ít nhiều làm dấy lên nghi ngờ cuộc chiến chống tham nhũng thực chất chỉ là chiến dịch thanh trừng có chọn lọc. Phe chỉ trích cho rằng chiến dịch sẽ mang lại lợi ích đáng kể cho những doanh nghiệp, doanh nhân có liên hệ với MBS - tên gọi tắt của thái tử. Ông Ali Adubisi, Giám đốc Tổ chức Nhân quyền châu Âu - Saudi (trụ sở ở Đức), gọi chiến dịch là động thái nhằm chuyển tham nhũng về tay MBS và bè phái của ông ta.

Tuy nhiên, vẫn có một số người dù không ưa MBS nhưng thừa nhận thái tử này có thể đã nhận ra sự không hài lòng của một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ, với nạn tham nhũng và xem đây là mối đe dọa tiềm tàng đối với một thế hệ lãnh đạo mới của vương quốc.

Bà Allison Wood, một nhà phân tích tại Công ty Tư vấn chiến lược Control Risks (Anh), cho rằng "phép thử thực sự" của một chiến dịch chống tham nhũng nghiêm túc không chỉ là theo đuổi người bị nghi tham nhũng mà còn thiết lập, duy trì những tiêu chuẩn mới dành cho sự minh bạch. 

Hoàng tử ăn chơi nhất Ả Rập bị treo ngược để thẩm vấn?

Một nguồn tin giấu tên khẳng định thái tử bin Salman cũng tham gia vào quá trình thẩm vấn này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Võ (Người lao động)
Ả Rập Saudi bắt 11 hoàng tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN