Lớp đào tạo trẻ em thành lãnh đạo ở Trung Quốc
“Đưa chúng tôi con của bạn, chúng tôi sẽ trả lại một lãnh đạo tương lai”, đây là poster quảng cáo bên ngoài một trung tâm giáo dục ở Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
Một lớp dạy đánh gôn cho các em nhỏ Trung Quốc.
Theo các nhân viên của lớp học này, trẻ em từ 3 tới 12 tuổi sẽ được học các “phẩm chất giám đốc điều hành” và trở thành lãnh đạo trong tương lai. Cái giá để trở thành một nhân vật tiếng tăm trong xã hội cũng không hề rẻ, lên tới 50.000 nhân dân tệ ( khoảng 170 triệu đồng).
Một câu lạc bộ gôn ở quận Thiên Hà trong thành phố Quảng Châu cũng đang rầm rộ tuyển mộ trẻ em cho một khóa huấn luyện 5 ngày mùa hè. Huấn luyện viên họ Đặng trả lời Tân Hoa Xã rằng khóa tập huấn gôn giúp các em có kiến thức và kĩ thuật di chuyển cơ bản, cũng như những tác phong chuẩn mực của người chơi gôn. Theo Đặng, mục tiêu là “tăng cường sức chịu đựng thể chất và tinh thần cho trẻ em”.
Các khóa học tốn kém dành cho trẻ em đang nở rộ ở thành phố Quảng Châu cũng như nhiều nơi khác ở Trung Quốc. Đối tượng mà khóa học nhắm tới là tầng lớp trung lưu vốn “lắm tiền nhiều của” ở đất nước này.
Các em sẽ học về "tác phong chuẩn mực của một người chơi gôn".
Một người cha tên Liêu đã ghi danh cho con gái 2 tuổi của mình vào lớp tiếng Anh tư thục đắt đỏ với 15 học sinh và hai buổi mỗi tuần. Để được dự lớp tiếng Anh “quý tộc” này, mỗi gia đình phải rút số tiền lên tới 30 triệu đồng. Quản lý lớp học cho biết trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, phụ huynh đã đăng ký hết chỗ.
Ngày nay, các lớp đào tạo lãnh đạo hay CEO tương lai dành cho trẻ em ở Trung Quốc nở rộ như nấm sau mưa. Đi kèm đó là những băn khoăn về chất lượng giảng dạy và mục đích thực sự của những lớp học này.
Trong nửa đầu năm 2016, ít nhất 2.600 lời phàn nàn đã gửi lên Hiệp hội Người tiêu dùng Trung Quốc liên quan tới các lớp học lãnh đạo tương lai. Nhiều phụ huynh cho rằng dù giá rất cao nhưng hiệu quả không như kỳ vọng của họ.
Trẻ em Trung Quốc tham gia một lớp học nhiếp ảnh, trong tay là chiếc máy ảnh đắt tiền.
Trong một lớp đào tạo CEO tương lai, trẻ em được chơi trong phòng suốt tuần. Một nhân viên phụ trách lớp học nói rằng khóa huấn luyện giúp các em kĩ năng tư duy thông qua các bài tập điền từ vào chỗ trống hoặc các bài học tổ chức. Tuy nhiên, phụ huynh tên Liêu nói “đây chẳng khác gì một lớp trông trẻ thông thường”. Liêu cho rằng nhiều phụ huynh đăng ký lớp học dồn dập cho con vì sợ kém bạn bè.
Ngoài vấn đề tài chính, các lớp học này cũng nảy sinh nhiều lo ngại về an toàn. Trong một lớp học cưỡi ngựa ở Thâm Quyến mở cho các em từ 3 tuổi trở lên, các thiết bị sử dụng hoàn toàn không phù hợp cho các em. Nguy hiểm luôn rình rập các em nhỏ khi tham gia vào khóa huấn luyện cưỡi ngựa.
Các chuyên gia giáo dục Trung Quốc nhận định khóa học làm lãnh đạo sẽ ảnh hưởng tới thế hệ nhỏ tuổi. Theo những chuyên gia này, trẻ em không đánh giá thông tin và giao tiếp như người lớn nên kĩ năng lãnh đạo dạy cho các em là không hiệu quả.
Ngoài ra, kì nghỉ hè vốn để nghỉ ngơi nhưng các em lại phải gồng mình đi học khiến một thế hệ “tuổi thơ đánh cắp” đang hiện hữu ngày một rõ.