Lộ diện 2 nhân vật giúp Kim Jong-un sở hữu bom nhiệt hạch
Hai nhà khoa học luôn xuất hiện trong các bức ảnh Kim Jong-un đứng bên cạnh bom hạt nhân, được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc thử bom nhiệt hạch lớn chưa từng có của Triều Tiên hôm 3.9.
Ri Hong Sop (giữa) và Hong Song Mu (ngoài cùng bên phải) được cho hai người nắm chìa khóa giúp Kim Jong-un sở hữu bom nhiệt hạch.
Theo Reuters, Triều Tiên ngày 3.9 tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch có sức công phá 100 kiloton.
Hiện chưa rõ Triều Tiên có thực sự thử bom nhiệt hạch hay không, nhưng cuộc thử nghiệm này là bước tiến quan trọng trong việc theo đuổi vũ khí mạnh mẽ có tầm bắn đến lãnh thổ Mỹ.
Các bức ảnh do hãng thông tấn Triều Tiên KCNA công bố chỉ vài giờ trước vụ thử được giới quan sát phương Tây đặc biệt chú ý. Nổi bật trong số những người đứng bên cạnh nhà lãnh đạo Kim Jong-un là hai nhà khoa học Ri Hong Sop và Hong Sung Mu.
Ông Ri là người đứng đầu Viện vũ khí hạt nhân Triều Tiên còn ông Hong là Phó Trưởng ban công nghiệp đạn dược của Đảng Lao động Triều Tiên.
Đây được coi là hai “cánh tay phải”, giúp nhà lãnh đạo Kim Jong-un thực hiện tham vọng phát triển tên lửa hạt nhân bắn đến Mỹ.
“Dường như ông Hong dẫn đầu chương trình phát triển hạt nhân Triều Tiên với tư cách là quan chức cấp cao. Ông Ri là người trực tiếp tham gia vào quá trình chế tạo bom nhiệt hạch”, Yang Moo-jin, giáo sư tại Đại học Nghiên cứu về Triều Tiên ở Seoul, Hàn Quốc nhận định.
Ông Kim Jong-un đưa ra chỉ thị và phương hướng chế tạo bom nhiệt hạch gắn vào tên lửa tầm xa.
Theo Reuters, vào tháng 1.2016, ông Hong và ông Ri là hai người đứng hàng đầu nhận huân chương do nhà lãnh đạo Kim Jong-un trao tặng, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4.
Hai tháng sau đó, họ tháp tùng ông Kim đến kiểm tra một loại vũ khí mới. Triều Tiên mô tả loại vũ khí này là đầu đạn hạt nhân thu nhỏ, phù hợp với tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Nếu thông tin Reuters đăng tải là chính xác, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đang có trong tay 5 trợ thủ đắc lực, sau bộ ba nhà khoa học tên lửa Triều Tiên lộ diện cách đây vài tháng.
Giới chuyên gia nhận định, cách nhà lãnh đạo Kim Jong-un tiếp cận với các nhà khoa học, giúp họ xây dựng mối quan hệ cá nhân với ông Kim, là chìa khóa để Triều Tiên đẩy nhanh quá trình nghiên cứu, chế tạo vũ khí hạt nhân.
“Kim Jong-un đang thể hiện mối quan hệ cá nhân gần gũi với các chuyên gia vũ khí hàng đầu”, Michael Madden, chuyên gia về Triều Tiên nói. “Triều Tiên phát triển vũ khí hạt nhân nhanh đến mức không ngờ chính là nhờ năng lực lãnh đạo của ông Kim”.
Giống như bộ ba nhà khoa học tên lửa, ông Ri và ông Ho đều nằm trong danh sách cấm vận của Mỹ và Liên Hợp Quốc.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un xuất hiện bên cạnh các chuyên gia và kỹ sư trong bức ảnh công bố tháng 3.2016.
Theo Reuters, ông Ri từng là giám đốc Trung tâm nghiên cứu hạt nhân Yongbyon, cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên. Đây là nơi Triều Tiên đặt lò phản ứng hạt nhân đầu tiên và là nơi duy nhất cho đến nay có thể làm giàu uranium.
Siegfried Hecker, một chuyên gia hạt nhân tại Đại học Stanford, Mỹ, là một trong số những người Mỹ cuối cùng được đến Yongbyon. Ông Hecker kể rằng mình từng gặp ông Ri vài lần trong giai đoạn 2004-2008. Trong các chuyến thăm này, ông Ri đã cho chuyên gia Hecker xem lò phản ứng và phòng nghiên cứu chất phóng xạ.
“Ri nói với niềm tự hào rằng Triều Tiên tự sản xuất được plutonium mà không cần các chuyên gia nước ngoài giúp đỡ”, ông Hecker nói năm 2006.
Trong khi đó, ông Hong từng là kỹ sư trưởng tại Yongbyon và làm việc tại ủy ban vũ khí Triều Tiên kể từ những năm 2000. Ông Hong thăng tiến vượt bậc kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011.
Ông Hong, năm nay 75 tuổi, từng theo học tại Đông Âu và có thể là cả ở Nga. Ông Ri chỉ ra nước ngoài dự hội thảo, theo chuyên gia Madden.
“Họ là hai quan chức hàng đầu và là người thuộc thế hệ cũ, nắm trong tay chìa khóa giúp Kim jong-un chế tạo bom nhiệt hạch”.
Triều Tiên hoàn toàn có cơ sở để đe dọa Hàn Quốc khi Bình Nhưỡng đang sở hữu rất nhiều vũ khí hủy diệt trong tay.