"Kịch bản tận thế" của Triều Tiên

Chuyên gia Mỹ cảnh báo Triều Tiên có khả năng tấn công nước này bằng bom xung điện từ hạt nhân.

Trong khi dư luận lo ngại Triều Tiên sắp phóng thêm tên lửa, Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ hôm 12-10 ghi nhận một trận động đất cấp độ 2,9 ở độ sâu 5 km gần thị trấn Sungjibaegam.

Vắng mặt bí ẩn

Thông báo của Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ nêu rõ: "Sự kiện này xảy ra trong khu vực diễn ra các vụ thử hạt nhân trước đây của Triều Tiên. Nó có những đặc điểm giống như động đất". Theo trang News.com.au, trận động đất cấp độ 3,4 xảy ra hồi tháng trước tại cùng địa điểm này làm dấy lên nỗi lo ngại một vụ thử hạt nhân khác có thể đã diễn ra lúc đó.

Theo Reuters, trận động đất mới nhất nói trên nằm trong chuỗi ít nhất 3 cơn địa chấn được ghi nhận kể từ khi Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử hạt nhân hôm 3-9, gây ra trận động đất cấp độ 6,3. Điều này khiến giới chuyên gia và quan sát cho rằng vụ thử hạt nhân mới nhất - Triều Tiên khẳng định là thử bom H - có thể đã gây thiệt hại cho vùng núi phía Tây Bắc nước này, nơi diễn ra tất cả 6 vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.

"Kịch bản tận thế" của Triều Tiên - 1

Một cuộc tập trận pháo binh gần đây của Triều Tiên Ảnh: REUTERS.

Theo các chuyên gia, nhiều khả năng cơ sở thử hạt nhân Punggye-ri không còn được sử dụng bao lâu nữa giữa lúc cộng đồng quốc tế lo ngại Triều Tiên sắp có hành động khiêu khích. Nỗi lo này càng tăng sau khi tờ Chosun Ilbo (Hàn Quốc) tiết lộ 2 quan chức then chốt liên quan đến chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên đã không xuất hiện trong các sự kiện công khai vừa qua.

Hai quan chức nói trên là ông Ri Man-gon, giám sát cơ quan phụ trách phát triển hạt nhân và tên lửa của Đảng Lao động Triều Tiên, và ông Kim Rak-gyom, tư lệnh lực lượng tên lửa chiến lược. Cả hai ông này đều vắng mặt tại buổi mít-tinh ở Bình Nhưỡng hôm 7-10 và buổi lễ kỷ niệm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên hôm 10-10. Một số nhà phân tích cho rằng rất có thể hai người này "biến mất" vì được giao một nhiệm vụ quan trọng.

Theo kênh Fox News, giới chức Mỹ lâu nay vẫn cảnh báo Triều Tiên có thể phóng tên lửa nhân những ngày lễ đặc biệt. Hôm 9-10 đánh dấu vụ thử nghiệm bom hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên cách đây 11 năm. Ngoài ra, người dân nước này vẫn tiếp tục ăn mừng ngày thành lập đảng cầm quyền suốt cả tuần này.

Mối đe dọa cao chưa từng có

Trong bối cảnh đó, quốc hội Mỹ ngày 12-10 nhận được cảnh báo Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ bằng bom xung điện từ (EMP) hạt nhân. Một vụ tấn công như thế có thể đánh sập mạng lưới điện vô thời hạn và giết chết 90% số người Mỹ trong vòng 1 năm. Tại buổi điều trần ở hạ viện Mỹ, các chuyên gia khẳng định Triều Tiên có thể dễ dàng tiến hành "kịch bản ngày tận thế" để biến nhiều phần lãnh thổ nước Mỹ thành tro bụi.

Tờ Washington Examiner trích dẫn phát biểu của 2 chuyên gia William R. Graham và Peter Vincent Pry cảnh báo mối đe dọa của vũ khí EMP hạt nhân đối với Mỹ đang cao hơn bao giờ hết, một phần bởi 2 bên không ngừng đe dọa tấn công nhau trong 6 tháng qua và Triều Tiên đã thể hiện khả năng hiện thực hóa lời đe dọa của mình. Hai vị này cho rằng Mỹ đã phớt lờ các tín hiệu cảnh báo trong nhiều năm qua và những động thái quân sự của Triều Tiên từ đầu năm đến giờ phải được xem là lời cảnh tỉnh.

Một diễn biến khác, quân đội Mỹ và Hàn Quốc gần đây đã phát hiện Triều Tiên di chuyển khoảng 30 tên lửa chiến thuật Scud từ huyện Hwangju, phía Nam thủ đô Bình Nhưỡng, đến một cơ sở bảo dưỡng tên lửa ở thành phố duyên hải Nampo phía Tây nước này.

Giới chuyên gia nhận định Triều Tiên có thể chuẩn bị phóng hàng chục tên lửa nhằm phản đối các cuộc tập trận chung của Mỹ và Hàn Quốc cũng như việc Washington triển khai nhiều vũ khí chiến lược đến bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả tàu sân bay. Cũng có khả năng Triều Tiên muốn gây chú ý nhân dịp Trung Quốc khai mạc đại hội toàn quốc Đảng Cộng sản vào ngày 18-10.

Bãi thử hạt nhân Triều Tiên phút chốc bị phá tan?

Triều Tiên có thể không còn khả năng thử hạt nhân ngầm tại bãi thử Punggye-ri, sau trận động đất bất thường mạnh...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LỤC SAN ([Tên nguồn])
Tin tức Triều Tiên Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN