Kế hoạch của Nhật dội 150 triệu bọ chét tiêu diệt quân Mỹ
Bọ chét từ quả bom ném xuống sẽ bám lên những con chuột trong vùng và khiến bệnh dịch hạch lan truyền nhanh chóng.
Bọ chét là vật trung gian truyền bệnh dịch hạch.
Trong Thế chiến 2, Trung Quốc tố Nhật Bản từng tấn công bằng vũ khí sinh học khiến hàng ngàn người dân nước này thiệt mạng. Có một sự thật khác ít được biết tới hơn, đó là quân đội Nhật đã lên kế hoạch đánh bom quân đội Mỹ bằng vũ khí sinh học trong ít nhau 4 lần khác nhau. Kế hoạch cuối cùng mang tên “Chiến dịch hoa anh đào ban đêm”, trong đó quân Nhật Bản định ném bom thành phố San Diego bằng vi khuẩn gây bệnh dịch hạch.
Kế hoạch sử dụng vũ khí sinh học của Nhật Bản được tướng Shiro Ishii lên ý tưởng. Đơn vị chiến đấu 731 được thành lập cũng vì mục đích này. Tại Cáp Nhĩ Tân ở Trung Quốc, đơn vị 731 của Nhật Bản quản lý một tòa nhà 150 phòng và dùng nơi đây làm phòng phát triển vũ khí sinh học. Những người được dùng làm “vật thí nghiệm” với các loại bom sinh học chủ yếu là người Trung Quốc và Liên Xô.
Sau hàng loạt thí nghiệm, loại vũ khí mà quân Nhật yêu thích nhất là các loài vi khuẩn, vi trùng gắn trong bom. Họ tin rằng loại vũ khí này giúp quét sạch hàng triệu người dân, như cách mà bệnh dịch hạch khiến hàng triệu người dân châu Âu thiệt mạng hồi thế kỉ 14. Vài ngày sau khi được tiêm chất chứa vi khuẩn, người bệnh sốt cao, nổi hạch và ít nhất 50% sẽ chết nếu không được chữa trị kịp thời.
Máy bay Nhật định sử dụng để rải "bom bọ chét".
Để sản xuất ra bom dịch hạch, đơn vị 731 nuôi cấy chúng trên bọ chét rồi chuyển bọ chét vào các quả bom kí hiệu Uji-50. Sau đó, những quả bom này được thả xuống một khu vực đã định. Bọ chét từ quả bom sẽ bám vào chuột sống trong vùng và lan truyền bệnh dịch hạch nguy hiểm.
Theo National Interest, tại thành phố Ninh Ba và Trường Đức tại Trung Quốc, quân Nhật từng áp dụng biện pháp này và khiến hàng chục ngàn người mắc bệnh và thiệt mạng. Quân Nhật Bản cũng ném quả bom chứa nhiều loại dịch bệnh khác nhau như tiêu chảy, thương hàn, kiết lị trong chiến dịch Sei-Go nhằm trả đũa quân Trung Quốc.
Sau khi thử nghiệm ở Trung Quốc thành công, phát xít Nhật muốn sử dụng các loại bom sinh học trên một phạm vi rộng hơn. Tháng 3.1942, quân Nhật dự định thả 150 triệu bọ chét vào lực lượng của Mỹ và Philippines tại bán đảo Bataan (Philippines). Tuy nhiên, quân Mỹ trên đảo đầu hàng sớm hơn khiến kế hoạch này không được thực hiện.
Kế hoạch rải bom dịch hạch của Nhật không thành công vào phút chót.
Cũng trong năm 1942, chỉ huy Nhật Bản dự tính tấn công cảng Hà Lan tại bang Alaska, Calcutta (Ấn Độ) và một phần Australia nhưng không thực hiện được. Một vài kế hoạch khác cũng được nêu ra, trong đó có dùng khí cầu phát tán dịch bệnh ở khu vực Bắc Mỹ.
Vận mệnh của quân Nhật thay đổi khá nhiều vào năm 1944 khi quân Mỹ dồn quân tới đảo Saipan. Một tàu ngầm chở theo 20 chuyên gia vũ khí sinh học đã được Nhật Bản điều động tới căn cứ Truk ở Thái Bình Dương. Tuy nhiên, tàu ngầm này bị tàu USS Swordfish của Mỹ đánh đắm.
Trong trận chiến khốc liệt Iwo Jima, quân Nhật định dùng vũ khí sinh học gắn trên các máy bay của Đức, theo thông tin được phi công Shoichi Matsumoto tiết lộ. Hai máy bay hỏng bất ngờ khiến kế hoạch của Nhật bị phá sản.
Hy vọng mong manh tưởng như tắt hẳn thì bất ngờ phép màu xuất hiện trong công cuộc tìm kiếm thi hài trung sĩ lái máy bay...