Hổ mang chúa tràn lan thành phố lớn nhất Indonesia
Đối với nhiều người dân sống ở thủ đô Jarkata, Indonesia, dịp Tết âm lịch là thời điểm họ dọn dẹp nhà cửa, xua đuổi những loài rắn kịch độc len lỏi khắp mọi ngõ ngách.
Nạn đổ rác bừa bãi tạo thành nơi săn mồi lý tưởng cho hổ mang chúa.
Theo CNN, năm mới đối với Ghufron Arifuddin đơn giản là dọn đống rác phía sau vườn nhà ở Jakarta. Lý do rất đơn giản là vì rắn kịch độc xuất hiện ngày càng nhiều.
Nhiều lần trong 4 tháng qua, Arifuddin phát hiện ra kẻ săn mồi đáng sợ đằng sau vườn nhà. Gần đây nhất, vào dịp Tết âm lịch, Arifuddin phát hiện hổ mang chúa dài 1,5 mét.
“Thực sự là lúc đó tôi đã giật mình”, Arifuddin, 49 tuổi, nhấn mạnh rằng anh chưa từng nhìn thấy rắn khi chuyển đến sống ở đây từ vài năm trước.
Việc người dân đụng độ với rắn ở ngay thủ đô của Indonesia không còn là chuyện hiếm thấy, các chuyên gia cho biết. Những khu rừng tự nhiên ngày càng giảm dần với tốc độ đô thị hóa, trong khi việc xử lý rác thải chưa tương xứng, khiến cho người dân sống ở thành phố 9,5 triệu người này ngày càng đụng độ với rắn.
Hổ mang chúa xuất hiện ở khắp nơi
Những người như Freddy Hanggoro đã quá quen thuộc với việc nhìn thấy rắn trốn trong nhà hoặc ở nơi làm việc.
Freddy Hanggoro là thành viên trong nhóm người chuyên bắt rắn. Nhóm người này luôn có mặt ngay lập tức mỗi khi người dân sống ở Jakarta liên lạc. Hanggoro nói anh nhận được ít nhất một cuộc gọi mỗi ngày.
Năm 2017, nhóm bắt rắn 150 người này giải cứu hơn 130 con rắn trốn trong nhà dân. Trước đó một năm, con số này chỉ là khoảng 90.
Một loài hổ mang chúa chuyên sinh sống ở Indonesia.
Gần đây nhất, Hanggoro cùng bạn bè di chuyển 20km đến bắt rắn tại một nhà máy ở ngoại ô Jakarta.
Sau hàng tiếng truy tìm, cả nhóm phát hiện ra hổ mang chúa cuộn tròn trong một góc. Hanggoro nhẹ nhàng đặt hổ mang chúa vào túi giấy và buộc chặt miệng túi.
“Chúng tôi thả nó ở nơi khác xa khu dân cư, đảm bảo rằng con rắn sẽ không đụng độ với người trong tương lai”, Hanggoro nói. “Sẽ là rất nguy hiểm nếu một ai đó vô tình kích động con rắn”.
Hanggoro nhấn mạnh rằng hổ mang chúa xuất hiện đặc biệt nhiều trong mùa mưa, từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Những trận mưa lớn cuốn trôi rắn hổ mang khỏi nơi ẩn nấp.
Hổ mang chúa lớn nhất mà nhóm bắt được dài tới 6 mét. Nó trốn trong trần nhà ở khu vực Kembangan, phía tây Jakarta vào năm 2016.
Vấn đề nằm ở chuỗi thức ăn
Tại những thành phố ở Indonesia như Jakarta, rất dễ dàng nhìn thấy người dân đổ rác ngay ngoài khu nhà, đặc biệt là ở những nơi thu nhập thấp.
Một con rắn bị bắt ở thủ đô Jakarta, Indonesia.
Đống rác lớn thu hút chuột và các loài gặm nhấm. Những con mồi ưa thích của hổ mang chúa và trăn.
“Nếu có thức ăn xung quanh nhà dân thì đó chính là nơi hổ mang chúa xuất hiện. Đó là vấn đề liên quan đến chuỗi thức ăn”, Aji Rachmat, người sáng lập nhóm chuyên bắt rắn nói.
Diện tích rừng tự nhiên thu hẹp cũng là nguyên nhân khiến rắn phải tìm cách sống sót trong môi trường đô thị, Rachmat nói thêm.
Theo Bộ Môi trường và Lâm Nghiệp, Indonesia mất 684.000 hécta đất rừng tự nhiên mỗi năm. Nguyên nhân là do nạn phá rừng, cháy rừng và hoạt động sản xuất dầu cọ.
Amir Hamidi, người đứng đầu lĩnh vực di truyền học ở Viện Khoa học Indonesia, nói một số loài rắn và trăn rất dễ thích nghi. Chúng hoàn toàn có thể sống trong những khu rừng và cả ở đô thị.
Hamidi cảnh báo rắn sẽ còn tiếp tục sinh sôi, trừ khi người dân Jakarta chấm dứt việc vứt rác bừa bãi.
Trăn xuất hiện ngay trên đường phố Jakarta.
Theo ông Hamidi, trăn hoàn toàn có thể ăn thịt người còn hổ mang chúa lại có nọc độc chết người. Ví dụ điển hình nhất là người đàn ông 25 tuổi bị trăn nuốt chửng ở khu vực đảo Java.
Đối với con người, hổ mang chúa chỉ nguy hiểm nếu người bị cắn không nhanh chóng đến cơ sở y tế để được điều trị bằng thuốc giải độc.
Rachmat thì giải thích rằng đa số loài rắn đều sợ con người. Để ngăn rắn mò vào nhà, Rachmat nói khu vực xung quanh phải sạch sẽ, loại bỏ những nơi ẩn nấp tiềm tàng đối với rắn.
“Nếu không còn con mồi, rắn sẽ tránh xuất hiện trong khu vực đó. Hổ mang chúa xuất hiện ở gần nhà dân cũng chỉ vì phải đi kiếm mồi”.
Nếu phát hiện ra hổ mang chúa, ông Hamidi khuyên mọi người nên bình tĩnh. “Đừng hoảng sợ. Nếu hoảng sợ và di chuyển, hổ mang chúa có thể cảm thấy bị đe dọa và tấn công con người”.
Hổ mang chúa bị người dân bắt được Vĩnh Phúc được đánh giá có kích thước “khủng”, nhưng trên thế giới có nhiều...