Giải mã thái độ TQ sau khi Triều Tiên thử hạt nhân
Trung Quốc chỉ trích Triều Tiên về vụ thử hạt nhân ngày 9.9 nhưng Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không có hành động mạnh mẽ, bởi nước này tin rằng Mỹ và Hàn Quốc phải chịu trách nhiệm vì làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) chưa thể tìm ra cách kiềm chế nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trung Quốc là đồng minh chính của Triều Tiên, đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực kiềm chế chương trình hạt nhân mà Bình Nhưỡng theo đuổi. Nhưng những dấu hiệu gần đây cho thấy Bắc Kinh dường như đã không thể kiểm soát được quốc gia láng giềng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Bắc Kinh sẽ gửi công hàm tới đại sứ quán Triều Tiên, phản đối vụ thử hạt nhân ngày 9.9.
Trung Quốc đồng thời cũng phản đối Mỹ và Hàn Quốc triển khai Hệ thống Phòng thủ Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) tới bán đảo Triều Tiên. Bắc Kinh nói đây là mối đe dọa với an ninh quốc gia và không thể giúp kéo Triều Tiên trở lại vòng đàm phán về vấn đề hạt nhân.
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã đăng tải bài xã luận, cho rằng vụ thử hạt nhân gây chấn động và chỉ làm "đổ thêm dầu vào lửa". Nhưng Trung Quốc cũng nói không ai có thể hưởng lợi bởi những bất ổn ở bán đảo Triều Tiên và kêu gọi các bên kiềm chế, tránh "kích động lẫn nhau".
"Chỉ mới đây, Hàn Quốc đã phớt lờ sự phản đối của Trung Quốc và quyết định đưa THAAD vào hoạt động. Điều này trái ngược với những nỗ lực duy trì hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên, gây ra tổn hại nghiêm trọng đến thế cân bằng chiến lược và chỉ làm gia tăng căng thẳng".
Trung Quốc còn tỏ thái độ thờ ơ, không lên tiếng bình luận hoặc trực tiếp nhắc đến Triều Tiên về những vụ thử tên lửa trước đây của Bình Nhưỡng, bao gồm cả vụ phóng 3 quả tên lửa tầm trung trong khi hội nghị G20 đang diễn ra.
Một quan chức phương Tây làm việc tại Bắc Kinh, người từng có thời gian ở Bình Nhưỡng nói Trung Quốc không còn duy trì tầm ảnh hưởng lớn đối với Triều Tiên. "Triều Tiên không thích Trung Quốc và họ rõ ràng không muốn nghe lệnh từ Bắc Kinh", quan chức giấu tên nói.
Những suy nghĩ cho rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang bị rối trí là sai lầm, quan chức này nói thêm. "Ông Kim hiểu rõ cần phải làm gì và có thể phiêu đến mức nào. Triều Tiên biết rằng Mỹ sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Bình Nhưỡng kích động chiến tranh".
Người dân Hàn Quốc theo dõi thông tin về vụ thử hạt nhân của Triều Tiên.
Nguồn tin ngoại giao khác ở Bắc Kinh nói Trung Quốc đã hết sức tức giận với THAAD ở Hàn Quốc. Điều này đã được chứng minh qua cuộc gặp bên lề giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye bên lề hội nghị G20.
"Xử lý vấn đề một cách sai lầm không mang lại lợi ích cho sự ổn định chiến lược trong khu vực và có thể làm gia tăng các tranh chấp", ông Tập dẫn lời Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói. Nguồn tin ngoại giao không dự đoán trước sự chỉ trích công khai như vậy của Trung Quốc nhằm vào Hàn Quốc.
"Trung Quốc chỉ trích Mỹ và Hàn Quốc với mức độ tương đương Triều Tiên trong bối cảnh căng thẳng hiện tại". Ngoài ra, Bắc Kinh cũng thất vọng với sự can thiệp của Washington trong vấn đề tranh chấp ở Biển Đông.
Ông Kim Cường Nhất, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bán đảo Triều Tiên tại Đại học Yanbian (Trung Quốc) cho rằng, Bắc Kinh đang ở thế khó trong việc đưa ra những phản ứng tiếp theo.
"Trung Quốc không thể phớt lờ hợp tác với Mỹ nhưng cũng không thể hoàn toàn lắng nghe Mỹ", ông Nhất nói, nhấn mạnh rằng Biển Đông là vấn đề lớn nhất mà Trung Quốc tỏ thái độ thất vọng với Mỹ.
Đối với Triều Tiên, Bắc Kinh không có nhiều phương án giải quyết vì Bình Nhưỡng đã phải hứng chịu lệnh trừng phạt nặng nề của Liên Hợp Quốc, nước này cũng không có nhiều hoạt động giao thương với thế giới bên ngoài.
"Nếu Triều Tiên không chịu lắng nghe, chúng ta có thể cố gắng thuyết phục, thậm chí gây sức ép bằng lệnh trừng phạt. Nhưng nếu điều đó vẫn không đem lại hiệu quả thì Bắc Kinh cũng không còn cách nào khác".