Facebook gây bão vì tuyên truyền thuyết âm mưu vụ 11.9
Việc loại bỏ biên tập viên với kinh nghiệm báo chí và tin tưởng vào các thuật toán đã khiến Facebook phải hứng chịu sự chỉ trích dữ dội từ người sử dụng và giới truyền thông.
CEO Facebook, Mark Zuckerberg.
Những người sử dụng Facebook gần đây muốn tìm kiếm thêm thông tin về ngày kỷ niệm vụ khủng bố 11.9 thường truy cập vào chủ đề mang tên "September 11th Anniversary" (kỷ niệm ngày 11.9).
Tuy nhiên, liên kết lại dẫn đến một bài viết mang đậm chất lá cải trên Daily Star (Anh), nói rằng nguyên nhân thực sự khiến tòa tháp đôi Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) sụp đổ là do bị cài bom.
Đây là một trong nhiều thuyết âm mưu xuất hiện sau khi vụ khủng bố kinh hoàng ngày 11.9, vốn không có bằng chứng xác thực.
Sau khi nhận được vô số phản hồi từ người sử dụng mạng xã hội và giới truyền thông, Facebook đã nhanh chóng gỡ bỏ bài viết này trên chủ đề tin hot (Trending Topic).
Facebook tuyên truyền thuyết âm mưu về vụ khủng bố 11.9 gây tranh cãi.
"Chúng tôi đã nhận thấy những thông tin lá cải", nữ phát ngôn viên Facebook nói. "Và để tạm thời giải quyết, chúng tôi đã gỡ bỏ bài viết này".
Những rắc rối mà Facebook gặp phải diễn ra chỉ vài tuần sau khi công ty này không còn sử dụng các biên tập viên để mô tả và định hướng các chủ đề hot. Thay vào đó, Facebook sử dụng các thuật toán tự động. Ví dụ gần đây nhất cho thấy, thuật toán không phải lúc nào cũng làm tốt nhiệm vụ.
Mặc dù Facebook nói vẫn có yếu tố con người tác động vào quá trình xử lý thuật toán. Tờ Quartz tháng trước đưa tin, các biên tập viên với kinh nghiệm báo chí, vốn định hướng cho các chủ đề hot đã được thay thế bằng một số nhân viên Facebook.
Những nhân viên này chỉ kiểm tra xem chủ đề theo xu hướng có bị trùng hay không và có phản ánh sự kiện có thật hay không, mọi thứ còn lại đều được thực hiện tự động dựa trên thuật toán của Facebook.
Đây được coi là bước đi nhằm định hướng lại hoạt động của Facebook. Bởi theo lời phát biểu của CEO Mark Zuckerberg gần đây: "Chúng tôi là công ty công nghệ, chứ không phải công ty truyền thông".
Tờ báo lớn nhất Na Uy Aftenposten đăng tải bức hình "Em bé Napalm".
Trước đó, Facebook cũng gây tranh cãi khi cấm đăng tải bức hình "Em bé Napalm" của tác giả Nick Ut chụp vào năm 1972, giai đoạn khốc liệt trong Chiến tranh Việt Nam.
Làn sóng phản đối của truyền thông cuối cùng đã khiến Facebook thay đổi quyết định. Phát ngôn viên của Facebook sau đó phát biểu: “Chúng tôi đã nhận thấy tầm quan trọng của bức ảnh tư liệu này đối với lịch sử".
Tổng biên tập tờ báo lớn nhất Na Uy Aftenposten, ông Espen Egil Hansen chỉ trích CEO Facebook, Mark Zuckerberg lạm quyền một cách thiếu thận trọng.
Theo Guardian, Hansen nói rằng quyết định xoá tấm ảnh cho thấy Facebook không có khả năng "phân biệt giữa ảnh khiêu dâm trẻ em và những tấm ảnh chiến tranh nổi tiếng", cũng như việc không muốn tham khảo thông tin từ những nguồn khác.