Đường dây gian lận thi cử tinh vi của sinh viên TQ ở Mỹ
Với những dịch vụ xin học hộ, thi hộ, làm bài tập hộ, nhiều sinh viên Trung Quốc không phải làm gì mà vẫn tốt nghiệp như thường ở các trường đại học danh tiếng ở Mỹ.
Reuters vừa phát hiện một đường dây ngầm bao gồm rất nhiều công ty gian lận thi cử giúp học sinh Trung Quốc tại Mỹ
Theo Reuters, đại học Iowa, Mỹ nghi ngờ ít nhất 30 sinh viên Trung Quốc gian lận trong các kỳ thi. Sự việc này cho biết thêm về một ngành công nghiệp ngầm phát triển mạnh của Trung Quốc, cung cấp các dịch vụ gian lận cho hàng trăm sinh viên Trung Quốc xin học vào các trường quốc tế.
Quảng cáo được nhắm tới các sinh viên Trung Quốc xa nhà, những người đang vật lộn với tiếng Anh và một nền văn hóa xa lạ. Dịch vụ thi hộ này lan truyền tới các sinh viên bằng email và tin nhắn bằng tiếng Trung, đề nghị giúp đỡ sinh viên Trung Quốc tại các trường đại học Mỹ. Các công ty sẽ viết bài tiểu luận, làm hộ bài tập về nhà, thậm chí là bài thi cho khách hàng. Tất cả với giá khoảng 1.000 USD/khóa học (hơn 22 triệu đồng).
Với hàng chục sinh viên Trung Quốc tại Đại học Iowa, lời mời quảng cáo này dường như không thể cưỡng lại.
Đại học Iowa, Mỹ nghi ngờ ít nhất 30 sinh viên Trung Quốc gian lận trong các kỳ thi (Ảnh: Reuters)
"Dịch vụ thi hộ, viết bài hộ, thi trực tuyến hộ bạn”, một dòng quảng cáo trong tin nhắn trên mạng xã hội viết. Một email từ một công ty khác tuyên bố: "Bạn bè của bạn đều sử dụng chúng tôi."
Đại học Iowa, một trong những trường đại học công lớn nhất vùng Trung Tây của Mỹ, cho biết họ đang điều tra ít nhất 30 học sinh bị nghi ngờ gian lận. Ba nguồn tin quen thuộc với các cuộc điều tra nói rằng số lượng thực tế có thể gấp 2 hoặc 3 lần.
Người phát ngôn viên của trường từ chối nêu tên các sinh viên hoặc quốc tịch của họ, với lý do luật riêng tư.
Nhưng nguồn tin quen thuộc của tờ Reuters nói rằng hầu hết (có thể tất cả) những người bị tình nghi gian lận là công dân Trung Quốc. Họ bị cáo buộc gian lận trong trong các kì thi trực tuyến của ít nhất 3 khóa học (trong đó có pháp luật và kinh tế). 3 trong số các nghi phạm người Trung Quốc thừa nhận với Reuters rằng họ đã thuê những công ty Trung Quốc để thi hộ.
Các công ty sẽ nộp đơn hộ, thi hộ và làm bài tập hộ sinh viên Trung Quốc (Ảnh minh họa)
Ngày 8.5, trường đã gửi một bức thư đến một sinh viên Trung Quốc, người bị cáo buộc nhờ thi hộ kì thi giữa kì, nói rằng trường sẽ đề nghị trục xuất anh ta: "Chúng tôi không thể chắc chắn bạn sẽ không gian lận trong tương lai, vì hành động trong quá khứ của bạn đã khiến tất cả những hành động trong tương lai bị nghi ngờ".
Người nước ngoài ở Mỹ với visa sinh viên có khả năng bị trục xuất về nước nếu bị đuổi học.
Vòng tròn gian lận ở Đại học Iowa là bằng chứng mới nhất về một ngành công nghiệp Đông Á đang làm hỏng hệ thống giáo dục đại học Mỹ, bằng cách thi hộ, nộp đơn xin học hộ, và thậm chí còn hoàn thành cả khóa học hộ sinh viên. Họ không chỉ giúp học sinh gian lận để xin học, mà còn giúp học sinh tốt nghiệp.
Các công ty gian lận đang khởi sắc bằng cách khai thác hai lợi ích: nhu cầu ngày càng tăng của người dân Trung Quốc muốn nghiên cứu ở nước ngoài, và mong muốn của các trường đại học của Mỹ muốn lấy lợi nhuận từ các sinh viên nước ngoài đóng học phí.
Claren Rong, một học sinh TQ tại đại học Iowa, đã thuê một công ty Trung Quốc làm giả bảng điểm trung học để gửi sang Mỹ xin học (Ảnh: Reuters)
Dịch vụ gian lận tinh vi này không chỉ xuất hiện ở Đại học Iowa. Như ở Đại học Washington, Đại học Alabama và Đại học Penn State, các sinh viên đều nhận được quảng cáo từ các công ty vô danh bằng tiếng Trung qua email trong học kỳ này. “Học sinh có thể nâng cao điểm trung bình và tốt nghiệp sớm nếu họ thuê công ty học hộ và làm bài tập hộ”, Reuters viết công ty còn đảm bảo trả lại tiền nếu không thành công.
Thị trường của các dịch vụ gian lận thi cử có tiềm năng rất lớn. Khoảng 761.000 sinh viên nước ngoài đang học tập ở Mỹ, theo Viện Giáo dục Quốc tế. 1/3 đến từ Trung Quốc. Bộ thống kê thương mại cho thấy sinh viên Trung Quốc đã chi gần 10 tỉ USD cho học phí, hàng hóa và các dịch vụ khác tại Mỹ trong năm 2014.
Tất nhiên, không phải tất cả các sinh viên Trung Quốc đều không trung thực, và sinh viên Mỹ cũng không tránh khỏi những cám dỗ của việc gian lận. Tuy nhiên, hiện hầu hết sự nghi ngờ đang đổ dồn về sinh viên Trung Quốc.
Khoảng 761.000 sinh viên nước ngoài đang học tập ở Mỹ, trong đó 1/3 đến từ Trung Quốc (Ảnh minh họa)