Ly kì đội quân "dưới mồ" của Triều Tiên đi ám sát TT Hàn
Các sát thủ của đơn vị này thậm chí còn tự đào mồ chôn mình, nằm cạnh xương người để đạt được mức độ dũng cảm cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ, trong đó có việc ám sát tổng thống Hàn Quốc.
Một đơn vị được được huấn luyện trong rừng.
Được thành lập từ năm 1967 để ám sát Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là Park Chung-hee, đơn vị 124 có mục đích tối thượng là tiêu diệt cá nhân có chủ đích. Giờ đây, sau 66 năm và căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa bao giờ ngừng nghỉ dù hiệp định ngừng bắn ký kết, nhiều người lo rằng ông Kim Jong-un sẽ khôi phục lại đơn vị thiện chiến này.
Theo Mirror, trong những cái tên thuộc danh sách truy nã gắt gao hiện nay có phó đại sứ Triều Tiên ở Anh, Thae Yong-ho, người vừa bỏ trốn sang Hàn Quốc cách đây ít hôm. Đây là quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Triều Tiên trốn sang Seoul. Cách đây gần 20 năm, đại sứ Triều Tiên ở Ai Cập cũng bỏ trốn và định cư ở Mỹ.
Phó đại sứ Triều Tiên Thae Yong-ho đang bị truy lùng gắt gao.
Năm 1997, một người Triều Tiên có tên Yi Han-yong bị hai sát thủ Triều Tiên bắn hạ ở Hàn Quốc. Người này đào tẩu khỏi Triều Tiên năm 1982 và đã chỉnh sửa gương mặt nhằm thay đổi nhân dạng. Tuy nhiên, sau khi bị phá sản và ngồi tù vì tội biển thủ công quỹ, Yi đã phạm sai lầm nghiêm trọng khi viết cuốn sách về cuộc đời ông trong vai trò cháu trai của cố lãnh đạo Kim Jong-il. Ông Kim sau này trở thành người lãnh đạo tối cao của Triều Tiên từ năm 1994 tới khi qua đời 17 năm sau đó.
Một âm mưu ám sát khác được thực hiện nhằm vào người đào tẩu có chức vụ cao nhất trong chính quyền Triều Tiên – ông Hwang Jang-yop. Ông Hwang là tác giả của chính sách biệt lập mà hiện nay Triều Tiên vẫn theo đuổi.
Ông Hwang Jang Yop (trái) và trợ lý lâu năm Kim Duk Hong.
Sau khi Hwang phản bội chính quyền Kim Jong-il, hai sát thủ Triều Tiên đã được lệnh săn lùng người này. Tuy nhiên, kế hoạch thất bại và hai sát thủ bị bắt giữ, bỏ tù 10 năm ở Hàn Quốc.
Trước khi chết vì tuổi cao sức yếu ở tuổi 88, ông Hwang từng nói: “Chết vẫn là chết. Chẳng có gì khác biệt giữa chết vì tuổi tác hay chết dưới tay Kim Jong-il”. Thời điểm đó, âm mưu ám sát ông Hwang vẫn chưa được biết tới.
Paul Fischer, tác giả cuốn sách về Kim Jong-il nhận định nguy cơ ám sát, bắt cóc có chủ đích từ Triều Tiên là điều phải xem xét hết sức cẩn trọng.
“Không có giới hạn với những gì họ muốn làm và họ tự cho rằng công việc ám sát là hoàn toàn chính danh”, Paul nói. “Những sát thủ Triều Tiên cho rằng họ là đội bảo vệ cuối cùng trong Chiến tranh Lạnh – một cuộc chiến mà họ tin rằng vẫn chưa kết thúc”.
Kim Jong-il, lãnh đạo Triều Tiên từ năm 1994 đến 2011.
Âm mưu ám sát Tổng thống Park Chung-hee được thực hiện năm 1968 bởi đơn vị 124. Ít nhất 100 người đã bị giết hoặc bắn trọng thương khi 31 sát thủ Triều Tiên cố gắng thâm nhập văn phòng tổng thống ở Seoul. May mắn thay là kế hoạch ám sát này đã bị chặn đứng. 30 trong tổng số 31 sát thủ Triều Tiên bị tiêu diệt.
Người duy nhất sống sót là Kim Shin-jo và người này đã khai ra những bí mật về quan điểm của Triều Tiên với việc ám sát. Theo Kim, ám sát là một nhiệm vụ trọng yếu và chính quyền Bình Nhưỡng xem đây là công cụ lật đổ chế độ chính trị Hàn Quốc.
Tổng thống Park Chung-hee là mục tiêu ám sát hàng đầu của đơn vị 124.
Kim Shin-jo là một lính ám sát được huấn luyện cẩn thận. Giờ đây ở tuổi 75, Kim đã là cư dân Hàn Quốc trong 48 năm, nói: “Chúng tôi được dạy bảo rằng Mỹ đã biến Hàn Quốc thành thuộc địa. Nhiệm vụ của chúng tôi là xóa bỏ hoàn toàn chính quyền bù nhìn ở Seoul”
Kim chia sẻ ông cảm nhận được sứ mạng lịch sử chính quyền Triều Tiên giao phó. Tuy nhiên, ông biết rằng mạng sống sẽ không được đảm bảo. Đây là cuộc chiến ngắn hạn và Kim tin rằng Triều Tiên sẽ không thể thắng vì thiếu tiền của, vật lực.
Chìa khóa quan trọng nhất quyết định thành công của sát thủ Triều Tiên là sự gan dạ và lòng tận tâm với Tổ quốc. Họ từng phải đi bộ trên băng lạnh, bị bỏ đói để buộc phải bắt rắn ăn sống trong rừng tại Triều Tiên. Một trong những thử thách lớn nhất với đơn vị 124 chính là tự đào mồ chôn mình.
Kim Shin-Jo là người duy nhất sống sót sau vụ tấn công ám sát bất thành Tổng thống Hàn Quốc.
“Chúng tôi ngủ với một đống xương người”, Kim Shin-jo chia sẻ. “Nó khiến bạn mạnh mẽ và chẳng có ai nghĩ tới việc đi tìm một người sống trong khu mộ cả”.
Kế hoạch ám sát Park Chung-hee được tính toán rất chi tiết. Các tướng tá Triều Tiên cho xây dựng một mô hình dinh tổng thống để họ có thể vạch kế hoạch tỉ mỉ nhất. Vụ ám sát ấn định vào 4 giờ sáng ngày 18.1.1968. Các binh sĩ Triều Tiên mặc trang phục lính Hàn Quốc và được luyện cách nói giọng Seoul.
“Đây là cách thức cơ bản của cuộc ám sát”, Kim nói. “Chúng tôi rất tự tin. Mọi người nắm rõ cách bố trí của dinh tổng thống. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới lính gác. Chúng có vẻ không cảnh giác lắm”.
Tuy nhiên, sự cố không ngờ khi nhiều dân làng quanh dinh tổng thống nhận ra sự xuất hiện của nhóm lính Triều Tiên và báo cho chính quyền. Quân đội Hàn Quốc ngay lập tức được báo động và phòng bị.
Kế hoạch tấn công ông Park được lên kế hoạch rất tỉ mỉ.
“Họ chặn đứng các ngả đường, tuy nhiên không thể ngăn cản chúng tôi”, Kim, giờ là một mục sư Thiên chúa, nói. “Họ nghĩ rằng chúng tôi chỉ di chuyển được chừng 8km/giờ, nhưng thực tế chúng tôi đi 12km/giờ. Những tuyến đường họ chặn chúng tôi đã vượt qua hết”.
Chỉ khi cảnh sát dừng họ lại và hỏi thì kế hoạch ám sát mới bị phát lộ. Cuộc đọ súng diễn ra ngay sau đó. Đáng buồn là khi vụ đấu súng diễn ra, một xe bus chở đầy trẻ em, phụ nữ xuất hiện và hứng chịu toàn bộ loạt đạn.
68 người Hàn Quốc thiệt mạng cùng 3 lính Mỹ. 29 sát thủ Triều Tiên bỏ trốn và tản mát khắp đất nước Hàn Quốc bị tiêu diệt lần lượt 9 ngày sau đó. Một người khác trốn được về Triều Tiên. Chỉ có Kim Shin-jo là ra đầu hàng.
“Tôi bỏ vũ khí xuống”, Kim nói. “Tôi muốn sống. Đấy là bản năng cơ bản của con người”. Một thời gian sau, Kim lập gia đình và bắt đầu cuộc sống mới ở Hàn Quốc.
Sau cuộc ám sát thất bại năm 1968, Triều Tiên vẫn dựa vào các hoạt động tiêu diệt cá nhân có chủ đích khác. Dù hình thức là gì, họ vẫn luôn để mắt tới các tổng thống Hàn Quốc.
Nhiều người lo sợ ông Kim Jong-un sẽ tái lập đơn vị 124.
Năm 1974, một người Nhật Bản gốc Triều Tiên tên Mun Se-gwang đã tấn công ông Park Chung-hee tại rạp hát quốc gia Seould bằng một khẩu súng. Ông Park bình an vô sự nhưng vợ ông bị trúng đạn lạc và trọng thương.
Sau đó 4 tháng, Mun bị xử tử ở tuổi 23. Năm 1982, một âm mưu ám sát khác cũng bị phát giác khi hai sát thủ Canada được Triều Tiên thuê để giết hại Tổng thống đương nhiệm Chun Doo-hwan. Một năm sau đó, ông Chun lại bị tấn công trong chuyến thăm tới Myanmar.
3 người đàn ông Triều Tiên đã kích nổ bom tại một đài tưởng niệm ở cố đô Rangoon, giết hại 21 người, trong đó có 4 chính khách Hàn Quốc cấp cao. Tổng thống Chun Doo-hwan thoát nạn vì ông bị kẹt xe nên tới muộn giờ.