Đệ nhất danh tướng Thục Hán, vượt tài Quan Vũ, Trương Phi
Danh tướng nhà Thục Hán được đánh giá năng lực hơn cả Quan Vũ, Trương Phi, nhưng dù không được Lưu Bị trọng dụng, ông chưa từng một lần muốn sang đầu quân cho Tào Tháo.
Hình ảnh Triệu Vân trong phim Trung Quốc.
Bên cạnh Gia Cát Lượng, Tào Tháo, tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của tác giả La Quán Trung cũng đề cập đến những nhân vật kiệt xuất khác thời Tam quốc như Quan Vũ, Tôn Quyền, ngũ hổ tướng Thục Hán… Loạt bài này sẽ làm rõ những tình tiết hư cấu trong tiểu thuyết cũng như khai thác yếu tố mà Tam quốc diễn nghĩa không đề cập đến. |
Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), Tào Tháo được biết đến là gian hùng thời Tam quốc. Ông dù có nhiều tính xấu nhưng cách nhìn người, dùng người của ông được học giả sau này đánh giá là “ngàn năm vẫn có giá trị”.
Có ba vị tướng, quân sư nhà Thục Hán mà Tào Tháo từng cố gắng hàng phục bằng được. Trong số này, chi một người đầu quân cho Tào Ngụy là Từ Thứ. Nhưng gần như người na không thể dùng được vì ông không bao giờ chịu hàng phục Tào.
Quan Vũ chỉ phục vụ cho Tào Tháo trong một thời gian ngắn rồi trở về với Lưu Bị. Người cuối cùng là Triệu Vân, danh tướng nhà Thục Hán.
Video: Triệu Tử Long cứu ấu chúa trong Tân Tam quốc diễn nghĩa.
Có thể nói, họ là những con người trung thành, can đảm không chịu sự khuất phục trước cám dỗ, không sợ trước hiểm nguy và đặc biệt, không bao giờ thờ hai chủ.
Đệ nhất ngũ hổ tướng Thục Hán
Triệu Vân (168-229), tự Tử Long, sinh tại huyện Chân Định thuộc quận Thường Sơn, nay là huyện Chính Định, tỉnh Hà Bắc, phía bắc Trung Quốc. Ông có ngoại hình hùng dũng, uy phong lẫm liệt, giỏi võ nghệ và có tài thao lược.
Tác giả Trần Thọ, người biên soạn Tam quốc chí đặt Triệu Vân nằm trong nhóm ngũ hổ tướng của nhà Thục Hán. Bên cạnh, Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung.
Năm 184, Triệu Vân khi đó 16 tuổi theo Công Tôn Toản đánh quân Khăn Vàng. Sau khi liên minh chống Đổng Trác tan rã, các chư hầu quay sang đánh lẫn nhau.
Triệu Vân được coi là ngũ hổ tướng mạnh nhất của Thục Hán.
Viên Thiệu đoạt được Ký Châu, nhiều người quy phục. Triệu Vân vẫn theo Công Tôn Toản chinh chiến, nhiều lần đụng độ với quân Viên Thiệu.
Khi nương nhờ Công Tôn Toản, Lưu Bị rất quý mến Triệu Vân. Hai người kết giao. Năm 193, Toản sai Lưu Bị hỗ trợ Thứ sử Thanh Châu là Điền Khải chống lại Viên Thiệu rồi lại lệnh Triệu Tử Long tháp tùng Lưu Bị.
Quãng thời gian cùng chiến đấu khiến mối quan hệ của hai người gắn bó hơn nhưng Triệu Vân vẫn giữ một long trung thành với Công Tôn Toản.
Giữa lúc Công Tôn Toản và Viên Thiệu giao tranh ác liệt, anh cả của Triệu Vân qua đời, ông xin về quê để tang. Lưu Bị đoán Triệu Vân nhân dịp này sẽ đi luôn nên cố tìm gặp và cầm tay hẹn ngày gặp lại.
Sau này, Công Tôn Toản bị Viên Thiệu tiêu diệt, Triệu Vân thà về quê chứ không theo Lưu Bị. Mãi đến khi Lưu Bị bỏ Viên Thiệu chạy về phía Nam, nương nhờ Ký Châu, Triệu Tử Long mới chủ động tìm đến giúp.
Tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa khá ưu ái vị danh tướng này. Tác giả La Quán Trung miêu tả Triệu Vân là võ tướng cao cường, trí dũng song toàn. “Ngọn thương của Vân múa, khi lên khi xuống thấp thoáng như cành hoa lê bay, lộn trước lộn sau tơi bời như hạt mưa tuyết toả. Trương Cáp, Từ Hoảng trông thấy rụng rời hết vía, không dám ra địch”.
Triệu Vân nổi bật khi cưới Chiếu Dạ Ngọc Sư Tử.
Triệu Vân được đánh giá là đệ nhất ngũ hổ tướng nhà Thục Hán, theo Sina. Nếu xét về danh tiếng và chiến công hiển hách, Quan Vũ sẽ đứng vị trí hàng đầu. Nhưng nếu xếp cả về đức độ, tài thao lược, trí dũng song toàn, thì Triệu Vân mới là người vượt trội.
Không được Lưu Bị trọng dụng
Văn võ song toàn như vậy nhưng sự nghiệp của Triệu Vân lại khá lận đận. Ông không có nhiều quyền lợi, tước vị hay được chỉ huy hàng vạn binh mã như Quan Vũ, Trương Phi ở thời điểm đó.
Mãi tới khi con trai Lưu Bị là Lưu Thiện lên ngôi, Triệu Vân mới được thăng quan tiến chức. Nhưng chưa tận hưởng bổng lộc được bao lâu thì ông qua đời năm 229, thọ 61 tuổi.
Các học giả Trung Quốc sau này đưa ra hai ý kiến, một là Triệu Vân không được trọng dụng vì không thuộc phe phái nào.
Khi thế lực của Lưu Bị mạnh lên, vấn đề chia bè kết phái bắt đầu xuất hiện. Phe do Pháp Chính cầm đầu ngày càng bộc lộ xu hướng cạnh tranh quyền lực với phe của Gia Cát Lượng.
Người không thuộc phe phái nào như Triệu Vân ở giữa, chắc hẳn sẽ không tìm được cách gây dựng thanh thế cho bản thân.
Nguyên nhân thứ hai chính là bởi đức tính tận trung của Triệu Vân. Danh tướng này làm công tác hộ vệ cho Lưu Bị hơn 10 năm nhưng mãi chỉ được coi là người đảm nhiệm công tác tròn vai mà thôi.
Hình ảnh Triệu Vân trong phim truyền hình Trung Quốc.
Theo quan điểm của Lưu Bị, Triệu Vân thiếu năng lực độc lập, nên công danh mãi chỉ ở mức độ nhất định, không thể đạt đến tầm cao mới.
Bên cạnh đó, nhiều học giả cũng nhận định, bản thân Triệu Vân không phải là người nuôi mộng lớn. Khi Công Tôn Toản qua đời, ông thà về quê chứ không theo Lưu bị hay nghĩ đến chuyện gia nhập phe phái nào khác. Nhưng chính sự an phận của ông mới khiến Lưu Bị tin tưởng giao phó tính mạng cho Triệu Vân.
Không đầu quân cho Tào Tháo
Trong lịch sử thời Tam quốc, Tào Tháo một tay xây dựng thế lực, lựa chọn người tài, thống nhất miền bắc Trung Quốc. Chỉ cần là người có năng lực, nếu biết nghe lời, chắc chắn sẽ phất lên dưới quyền Tào Tháo. Triệu Vân cũng không phải là ngoại lệ.
Năm 208, Tào Tháo đánh chiếm Kinh Châu. Lưu Bị vừa rút về phía nam, vừa giao tranh với quân Tào.
Trong tình huống nguy cấp, Lưu Bị phó mặc gia đình cho Triệu Vân để trốn chạy. Danh tướng hết mực trung thành tay một tay ôm chặt A Đẩu (Lưu Thiện), một tay chiến đấu mở đường thoát thân.
Quan sát Triệu Tử Long từ xa, Tào Tháo đã nhận ra đây là một vị tướng có tài, nên ra lệnh không bắn tên tiêu diệt mà quân sĩ chỉ được bắt sống.
Tam quốc diễn nghĩa phác họa cảnh Triệu Vân chiến đấu chống quân Tào Ngụy hết sức đặc sắc. Triệu Tử Long vung thương giết 50 tướng, chém gãy hai lá cờ to, đoạt gươm Thanh Công, phá vòng vây, bảo vệ được Lưu Thiện.
Khi Triệu Vân đưa A Đẩu về gặp Lưu Bị, Lưu Bị vứt con trai xuống, mắng: “Vì ngươi, suýt nữa ta mất một đại tướng”.
Triệu Vân trong Tân Tam quốc diễn nghĩa.
Tính cách và tài năng của Triệu Vân cho thấy, ông là một võ tướng gần như không có bất cứ nhược điểm nào. Không chỉ được Tào Tháo quý mến, năng lực của ông rõ ràng đã được Ngụy Vương chứng minh tận mắt.
Nhưng khi đó, Triệu Vân chỉ nghĩ đến chuyện hoàn thành nhiệm vụ, quyết không ăn ở hai lòng. Nếu lựa chọn như Quách Gia, rời bỏ Viên Thiệu sang phe Tào, có thể lịch sử sẽ còn ghi lại dấu ấn lớn hơn nữa của danh tướng này.
Các học giả Trung Quốc nhận định, Triệu Tử Long mang trong mình tư tưởng trung quân và tư tưởng đó đã ăn sâu vào máu thịt, một lòng phục vụ nhà Thục Hán. Có lẽ trong con mắt Triệu Vân, Tào Tháo chỉ là một gian thần, quan điểm này không thể xóa nhòa.
Dù sao, khi Lưu Thiện lên ngôi, Triệu Vân ít nhiều được thăng tiến. Mãi đến năm 261, trước sức ép của đại tướng Khương Duy, Lưu Thiện mới mới truy phong ông làm Thuận Bình hầu. Ông là người cuối cùng trong ngũ hổ tướng nhà Thục Hán nhận tước vị này.
______________
Bài viết xuất bản ngày 4.3 sẽ đề cập đến thói trăng hoa, hoang dâm của Tào Tháo và mối bất hòa với Võ thánh Quan Vũ.