Dầu mỏ không phải là thứ được thèm nhất ở Biển Đông

Trái với quan điểm cho rằng mâu thuẫn ở Biển Đông là do cơn khát dầu mỏ dưới đáy biển, thực tế cho thấy một nguồn tài nguyên khổng lồ khác với doanh thu gần 22 tỉ USD/năm mới là thứ nhiều quốc gia thèm muốn nhất.

Dầu mỏ không phải là thứ được thèm nhất ở Biển Đông - 1

Vây cá mập đang được ngư dân Trung Quốc phơi khô sau khi khai thác ở Biển Đông.

Với một diện tích khoảng 3 triệu km2, Biển Đông là một kho cá khổng lồ. Các nhà khoa học cho biết có tới 3.365 loài cá sinh sống ở đây và năm 2012, ước tính 12% tổng lượng cá toàn cầu được đánh bắt ở Biển Đông. Doanh thu từ lượng cá dồi dào này lên tới gần 22 tỉ USD.

Những sinh vật biển còn đáng giá hơn cả tiền vì chúng giúp đảm bảo an ninh lương thực cho dân số ven biển đã lên tới con số hàng trăm triệu người.

Nghiên cứu gần đây cho thấy nhiều quốc gia quanh Biển Đông đang phụ thuộc lớn vào nguồn cá tôm dồi dào để sinh sống. Khi lượng cá giảm, số người bị suy dinh dưỡng cũng tăng lên.

Nghề khai thác cá ở Biển Đông tạo công ăn việc làm cho 3,7 triệu người. Đây được xem là nghề quan trọng nhất với những quốc gia ven biển vì giúp 4 triệu cư dân trẻ tuổi có việc làm ổn định. Ở các vùng ven biển, cơ hội nghề nghiệp rất ít.

Tuy nhiên, nguồn tài nguyên cá đang đứng trước thách thức vô cùng lớn. Hiện tại, cá ở Biển Đông đang bị khai thác quá mức. Năm ngoái, số liệu cho thấy 55% tổng lượng tàu cá toàn cầu tập trung ở Biển Đông. Lượng cá đã giảm 70% kể từ năm 1950.

Dầu mỏ không phải là thứ được thèm nhất ở Biển Đông - 2

Tàu cá Trung Quốc đang khiến tình hình khu vực thêm phức tạp.

Hơn 30 năm qua, số lượng cá đánh bắt mỗi giờ đã giảm 1/3, đồng nghĩa ngư dân vất vả hơn mà số lượng đánh bắt không đáng là bao.

Việc sử dụng thuốc nổ, xyanua đánh bắt cá và xây đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc cũng khiến môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng. Rạn san hô ở Biển Đông đang suy giảm về diện tích với tốc độ 1,6%/năm.

Dù tổng lượng cá không đổi nhưng chủ yếu là cá vừa và nhỏ. Những con cá có kích thước lớn hầu như sụt giảm nghiêm trọng. Điều này ảnh hưởng tai hại tới tương lai nghề cá ở Biển Đông.

 “Đạo quân hàng hải”

Dầu mỏ không phải là thứ được thèm nhất ở Biển Đông - 3

Ngư dân đang đối mặt nguy cơ lao động vất vả hơn nhưng lượng cá ngày một suy giảm.

Việc tiếp cận nguồn cá luôn là mối quan tâm lớn hiện nay của các quốc gia ở Biển Đông và những sự cố liên quan tới đánh bắt cá luôn khiến căng thẳng khu vực tăng cao.

Tàu cá Trung Quốc và Đài Loan hiện nay áp đảo về số lượng. Nguyên nhân xuất phát từ nhu cầu nội địa quá mức và sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc giúp đóng tàu cá công suất lớn.

Cuộc cạnh tranh giữa những đối thủ với một nguồn tài nguyên cá suy giảm càng khiến mâu thuẫn nghề cá tăng cao. Đã rất nhiều lần xung đột  nổ ra giữa tàu cá trái phép và lực lượng hành pháp bản địa. Hồi tháng 3.2016, tàu cá Trung Quốc từng đụng độ lực lượng tàu chiến của Indonesia ở vùng biển Natuna.

Dù là tàu cá nhưng ngư dân không chỉ đánh bắt cá. Nhiều tàu cá được dùng như một công cụ ủy nhiệm để ngang ngược chiếm biển.

Lực lượng tàu cá Trung Quốc được coi là “đạo quân hàng hải” đúng nghĩa. Đã rất nhiều lần tàu cá Trung Quốc va chạm với tàu tuần duyên bản địa ở vùng đặc quyền kinh tế các quốc gia này.

Tuy nhiên, tàu tuần duyên Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng cung cấp hỗ trợ kho vận, nhiên liệu và bảo vệ tàu cá Trung Quốc trong tình huống va chạm với lực lượng tự vệ các nước khác.

Giai đoạn kịch tính

Dầu mỏ không phải là thứ được thèm nhất ở Biển Đông - 4

Nguồn thực phẩm cung cấp cho hàng trăm triệu người có nguy cơ biến mất khi Biển Đông ngày càng bị tận diệt.

Tháng 7.2016, tòa án quốc tế tuyên bố cái gọi là “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông là vô hiệu và nước này không có quyền khai thác cá ở Biển Đông. Nhiều quốc gia đã thể hiện hành động cứng rắn hơn trong việc bảo vệ chủ quyền và xua đuổi lực lượng tàu cá trái phép của Trung Quốc.

Indonesia là một trong những nước có hành động mạnh tay nhất. Hồi tháng 4.2016, chính quyền Jakarta đánh đắm 23 tàu cá và truyền hình trực tiếp. Malaysia cũng có hành động tương tự khi đe dọa phá hủy tàu cá nước ngoài xâm nhập vùng biển.

Dầu mỏ không phải là thứ được thèm nhất ở Biển Đông - 5

12% tổng lượng cá toàn cầu được đánh bắt ở Biển Đông.

Dù vậy, Trung Quốc vẫn ngang ngược phủ nhận phán quyết của tòa trọng tại. Điều này đồng nghĩa Bắc Kinh sẽ tiếp tục hoạt động ở đường 9 đoạn mà nước này tuyên bố phi lý ở Biển Đông.

Viễn cảnh tương lai còn ảm đạm hơn khi Trung Quốc mới mở một cảng cá ở đảo Hải Nam với chỗ trú dành cho 800 tàu thuyền các loại. Sau khi cải tạo trong thời gian tới, lượng tàu cá tiếp nhận có thể lên tới 2.000 chiếc. Cảng mới được cho là đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ cái gọi là “quyền đánh bắt cá của Trung Quốc ở Biển Đông”.

Ngày 2.8, Tòa án Nhân dân Tối cao Trung Quốc ngang ngược nói rằng nước này có quyền xử tử người nước ngoài “xâm phạm trái phép vùng biển Trung Quốc”, bao gồm cả những phần thuộc vùng đặc quyền kinh tế của nước khác.

Sau đó một ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kêu gọi “chiến tranh nhân dân trên biển” nhằm bảo vệ cái gọi là “chủ quyền” mà nước này rêu rao ở Biển Đông.

Con đường phía trước

Dầu mỏ không phải là thứ được thèm nhất ở Biển Đông - 6

Trai tượng hầu như vắng bóng ở Biển Đông sau khi Trung Quốc sử dụng những máy cào san hô công suất lớn.

Biển Đông đang cần hơn bao giờ hết một quy tắc ứng xử đa phương, chẳng hạn như đảm bảo quyền tự do lưu chuyển trên biển quốc tế hay chính sách bảo vệ rạn san hô là nơi cư trú của sinh vật biển quý hiếm.

Một giải pháp chung để xử lý mâu thuẫn hiện nay ở Biển Đông vẫn là một điều xa vời. Tuy nhiên nếu không có hành động cụ thể, nghề cá ở đây sẽ đối mặt nguy cơ bị tàn phá và để lại hậu quả xấu cho khu vực. Cuối cùng, người thua thiệt lại chính là những ngư dân cả đời bám biển.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Minh – The Conversation ([Tên nguồn])
Tin tức Biển Đông Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN