Dàn quan chức Mỹ nhiều tỷ phú, triệu phú nhất thời Trump
Các tỷ phú, triệu phú tham gia lãnh đạo nước Mỹ trong chính quyền Donald Trump được kỳ vọng giúp xóa bỏ những nhóm lợi ích ở Washington, nhưng cũng có thể kéo theo những hệ quả khó kiểm soát.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump trong một chuyến đi thị sát.
Theo Vice News, khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump chọn CEO tập đoàn dầu khí Exxon Mobil, Rex Tillerson làm Ngoại trưởng, ông Trump đã bổ sung thêm một thành viên mới vào đội ngũ tỷ phú, triệu phú lãnh đạo đất nước.
Những người này được cho là sẽ tận dụng những ưu đãi đặc biệt về thuế để tiết kiệm tới hàng triệu USD, chỉ bằng cách gia nhập chính quyền Donald Trump.
Trong khi rời khu vực kinh doanh để làm việc trong lĩnh vực công thường được coi là hành động chấp nhận hi sinh, lĩnh vực này ngày càng trở thành nơi thu hút thêm lợi nhuận của giới tỷ phú, triệu phú Mỹ, theo Vice News.
Dàn lãnh đạo thời Donald Trump hoàn toàn có thể trở thành đội ngũ giàu có nhất trong lịch sử Mỹ. Những người này sẽ còn thu về những khoản tiền lớn thông qua chính sách thuế.
Betsy DeVos, người được ông Trump chọn vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục có khối tài sản 5,1 tỷ USD.
Wilbur Ross, ứng viên cho vị trí Bộ trưởng Thương mại là một nhà đầu tư có khối tài sản 2,9 tỷ USD, theo Forbes. Thứ trưởng Thương mại theo đề xuất của ông Ross có thể là Todd Ricketts, gười đứng đầu chuỗi câu lạc bộ Chicago Cubs và có tổng tài sản ước khoảng 1,7 tỷ USD.
Betsy DeVos, nhà từ thiện nổi tiếng đến từ bang Michigan, có xuất thân từ gia đình giàu có với tổng tài sản 5,1 tỷ USD sẽ giữ chức Bộ trưởng Giáo dục. Cựu chuyên gia ngân hàng với 17 năm kinh nghiệm tại Goldman Sachs, ứng viên Bộ trưởng Tài chính Mỹ, Steve Mnunchin là người có khối tài sản không rõ ràng.
Nhưng khi kê khai tài sản để nhậm chức, không ngạc nhiên khi ông Mnunchin công bố số tài sản lên tới hàng triệu hoặc thậm chí là hàng tỷ USD.
Mới đây nhất, Rex Tillerson, người được ông Trump chọn vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ sở hữu số cổ phiếu ở Exxon Mobil, tương ứng 151 triệu USD. Giá trị cổ phiếu có thể bị tác động trực tiếp bởi những quyết định của ông Tillerson ở nhiệm sở, theo Wall Street Journal. Cổ phiếu của ông Tillerson đã không tăng trong nhiều năm qua nhưng hiện không rõ liệu CEO Exxon Mobil có tận dụng lợi thế để thu về thêm hàng triệu USD hay không.
Ông Trump bắt tay với Todd Ricketts, người sở hữu khối tài sản 1,7 tỷ USD.
Tờ Politico ước tính, đội ngũ lãnh đạo dưới thời Donald Trump có tổng số tài sản thậm chí sẽ còn lên tới 35 tỷ USD. Một số còn gây quỹ chính trị hàng trăm triệu USD.
Những người ủng hộ ông Trump nói, họ tin tưởng tỷ phú Mỹ vì ông là doanh nhân, không phải chính trị gia với những lợi ích đặc biệt. Họ hy vọng ông Trump sẽ lãnh đạo đất nước hiệu quả như tập đoàn.
Trả lời giới truyền thông về lựa chọn của Donald Trump, phát ngôn viên Jason Miller khẳng định ông Trump “cân nhắc rất kỹ lưỡng” về quyết định của mình, và bày tỏ niềm tin rằng kiến thức của các tỷ phú, triệu phú sẽ hữu ích trong việc cải thiện tình trạng nền kinh tế Mỹ.
Nhưng một số thành viên trong chính quyền Trump có thể đứng trước lời chỉ trích vì vấn đề xung đột lợi ích. Họ có thể tạo ra những chính sách ít nhất có lợi cho công việc kinh doanh cá nhân hoặc bạn bè, người thân.
Neil Sroka, phát ngôn viên tổ chức “Dân chủ cho nước Mỹ”, nói trên Guardian: “Ông Trump lựa chọn một nhóm những tỷ phú, người giàu có. Liệu họ đáp ứng được những gì mà tầng lớp lao động cần, vốn dựa vào các nhà lãnh đạo ở Washington để chiến đấu cho quyền lợi của họ”.
Rex Tillerson, người được ông Trump chọn làm Ngoại trưởng Mỹ, có mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Việc bổ nhiệm như vậy chỉ vì có lợi cho bản thân họ, Sroka nói thêm. “Quyết định lựa chọn nhân sự trong nội các của ông Trump cho thấy, tỷ phú Mỹ không quan tâm đến việc bảo vệ người lao động”.
“Đó là tầng lớp giàu có, thưởng thức tôm hùm và trứng cá muối mỗi đêm. Họ không quan tâm đến việc làm sao để có thức ăn trên bàn. Họ chỉ muốn kiếm thêm vài triệu USD trước khi về nhà vào buổi tối”.
Ngay từ khi còn đang tranh cử, Trump luôn khẳng định ông ngưỡng mộ, đánh giá cao tài năng của những người đã thành công trong kinh doanh, vì vậy, ông muốn chính quyền Mỹ sẽ có sự tham gia của nhiều doanh nhân.
Đó là những cá nhân “vĩ đại” mà ông Trump hy vọng sẽ giúp xóa bỏ những nhóm lợi ích ở Washington. Lựa chọn của ông Trump cho đến nay thể hiện rõ việc dựa trên yếu tố kinh doanh để lãnh đạo chính tri.
Nhưng hiện chưa rõ liệu chiến lược này có thể cải cách Washington hay chỉ làm trầm trọng thêm những vấn đề cố hữu, Vice News nhận định.