Cuộc sống ở thành phố "không tồn tại" trên thế giới
Thành phố Marley ở Illinois (Mỹ) không hề có trên bản đồ.
Nhà thờ xây từ năm 1900
Marley từng là nơi lý tưởng để xây dựng tuyến đường ray qua khu vực. Tàu hỏa bắt đầu chạy từ năm 1830 qua nhiều cánh đồng do dòng họ Haley sở hữu. Đường sắt trở thành công cụ vận chuyển sữa cùng các nhu yếu phẩm đi bán, tạo nguồn thu nhập cho cư dân xây dựng thị trấn trở nên trù phú hơn.
Khi chính quyền xây dựng bưu điện hồi năm 1879, cái tên Marley ra đời , nối từ họ hai gia đình lớn là Marshall và Haley.
Cuối thế kỷ 19 đầu TK 20, Marley đầy những lễ hội diễn ra quanh năm. “Ước gì tôi được quay lại ngày ấy”, Julie Cleveland, một cụ già hồi tưởng. Bà chuyển tới thành phố cùng chồng sau khi kết hôn với chồng thuộc đại gia đình Marshall. Tới giờ các thế hệ của dòng họ vẫn sống tại đây.
Tuy nhiên tới năm 1932, một tai nạn đường sắt kinh hoàng xảy ra khi đường ray làm trật bánh, khiến tàu phá nát nhà ga. Dù tòa nhà được xây lại, Marley vẫn bị tổn thất kinh tế khá nhiều khi người ngoài dừng giao thương.
Cái tên Marley cũng không được đưa vào văn bản địa chính nào sau này.Tất cả các cửa hàng đều đóng cửa, trừ vài hiệu bán nến, trường học và nhà thờ. Vì vậy, trông đường phố tại đây lạc hậu hẳn so với những nơi khác.
Thợ làm nến rót thủ công từng lọ
Người dân Marley chấp nhận trở thành cộng đồng sống cách biệt chứ không muốn phụ thuộc vào những tỉnh lân cận. Họ tự tin với những di sản đặc trưng của riêng mình như hiệu làm nến theo cách thủ công với nguyên liệu tự nhiên.
Tuy nhiên hoạt động thường ngày của họ vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Ví dụ như dịch vụ bưu điện đã phải đe dọa rằng sẽ không gửi bưu phẩm nếu như địa chỉ đến và đi tiếp tục được ghi là “Marley, IL”. Marley không có mã bưu điện (ZIP code) riêng, nên phải dùng chung với thành phố bên cạnh là Mokena.
Dù thế, những người dân vẫn tiếp tục hy vọng được công nhận. Kể từ vụ tai nạn kinh hoàng, đường sắt đã được sử dụng trở lại. Có thể một ngày nào đó, Marley sẽ hồi phục như ngày trước.