Bắt giữ tàu lặn Mỹ, TQ “nắn gân” cả Obama và Trump
Việc Trung Quốc thu giữ tàu lặn không người lái của Mỹ ở Biển Đông được coi là hành động thách thức cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và người kế nhiệm Donald Trump.
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và người kế nhiệm Donald Trump.
CNN mới đây đã đăng tải nhận định của Michael Auslin chuyên gia về an ninh và chính trị châu Á thuộc viện nghiên cứu chính sách AEI ở Washington (Mỹ) về việc Trung Quốc thu giữ tàu ngầm không người lái hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Chuyên gia Mỹ cho rằng, tàu hải quân Trung Quốc có thể đã tới đủ gần một tàu Mỹ. Từ đó, tàu Trung Quốc đưa tàu nhỏ ra thu giữ tàu lặn, vốn đang được phía Mỹ thu hồi. Điều này có nghĩa là Bắc Kinh cố tính hăm dọa tàu Mỹ chứ không phải ngẫu nhiên phát hiện và thu giữ ở vùng biển biệt lập.
Vụ việc lần này cũng giống như sự cố năm 2009, khi tàu Trung Quốc quấy rối tàu khảo sát hải dương Mỹ USNS Impeccable trên Biển Đông. Mục tiêu lần này của Trung Quốc nhắm vào thiết bị không người lái.
Chuyên gia Auslin cho rằng, Trung Quốc lần này đã trắng trợn coi thường luật pháp quốc tế, thu giữ trái phép tài sản của Mỹ và có khả năng gây nguy hiểm cho các nhân viên quân sự Mỹ.
Hành động mang tính chất leo thang như vậy không phải là cách mà Trung Quốc thường áp dụng. Bắc Kinh có thể đã sẵn sàng tăng cường hoạt động gây rủi ro, ông Auslin nhận định.
Đây cũng có thể là cách Bắc Kinh phản ứng khi Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump bình luận về Trung Quốc, Đài Loan và cả chính sách “Một Trung Quốc”.
Tàu ngầm không người lái tương tự loại Trung Quốc thu giữ của Mỹ.
Hành động thu giữ thiết bị này diễn ra đúng vào thời điểm mối quan hệ giữa chính quyền Obama và Bắc Kinh đang đi xuống, Trung Quốc cũng đang đẩy nhanh việc phô trương quân sự tại các đảo nhân tạo trái phép ở Biển Đông.
Chuyên gia Auslin phân tích, cho đến ngày 20.1.2017 thì ông Obama vẫn là Tổng thống Mỹ. Hành động của Trung Quốc khiến ông Obama chỉ có hai lựa chọn. Tổng thống Mỹ có thể làm ngơ trước hành động gây hấn từ Trung Quốc hoặc rời nhiệm sở với phản ứng cứng rắn.
Dù ông Obama chọn con đường nào thì những chính sách này sẽ vẫn chính quyền mới tiếp nối, bởi ngày nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cận kề.
Mỹ đã chính thức lên tiếng yêu cầu Trung Quốc trả lại thiết bị không người lái, nhưng các phản ứng ngoại giao là chưa đủ. Trong khi đó, ông Trump lại viết trên Twitter: “Chúng ta nên nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn lấy lại tàu lặn mà họ đã lấp cắp, hãy để họ giữ chúng".
Giáo sư Zhang Zhexin tại Đại học Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải nói, cần phải mất khoảng 10 ngày để Trung Quốc trả lại tàu lặn cho Mỹ.
Theo tác giả Auslin, chính quyền Obama nên làm rõ quan điểm, nếu thiết bị không được trả lại, thì Mỹ sẽ có động thái trả đũa mạnh mẽ hơn, bao gồm cả việc giảm hợp tác quân sự.
Wahington cũng có thể ủng hộ cho các quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, bằng cách tăng cường hợp tác quốc phòng và cung cấp vũ khí cho các quốc gia này.
Michael Auslin chuyên gia về an ninh và chính trị châu Á thuộc viện nghiên cứu chính sách AEI ở Washington, Mỹ.
Mỹ sẽ phải duy trì sự hiện diện liên tục của mình trên vùng biển tranh chấp, tự do hoạt động gần vùng biển tranh chấp, ông Auslin nhận định. Cả Trung Quốc và Mỹ nên thận trọng trong tình huống mà những cái đầu lạnh được thay bằng quyết định dựa trên cảm tính.
Dù chính quyền Obama có chọn cách phản ứng nào, ông Trump cũng nên phải chuẩn bị nhiều hơn nữa trước những hành động bất ngờ từ phía Trung Quốc. Rõ ràng, Bắc Kinh muốn đẩy lùi ý định thách thức quan hệ Mỹ-Trung của tỷ phú Mỹ, chuyên gia Auslin phân tích.
Chính quyền Trump nên suy tính về cách đáp trả trước những thách thức tương tự trong tương lai của Trung Quốc cũng như trước rủi ro bị đẩy vào thế phòng phủ và sẽ phản ứng thái quá trước một đối thủ đầy khiêu khích.
Nếu Mỹ không cứng rắn, Bắc Kinh sẽ nhận được thông điệp sai lầm và tiếp tục thách thức Washington, chuyên gia Mỹ nói.
Đến một thời điểm nào đó, khi Trung Quốc tính toán sai lầm hoặc có các hành động không thể chấp nhận được, Mỹ buộc phải có phản ứng mạnh hơn. Động thái cứng rắn của Mỹ ngay từ sớm là lựa chọn tốt nhất, để ngăn không cho tình hình càng trở nên tồi tệ, ông Auslin kết luận.